Tại buổi toạ đàm đổi mới kinh doanh vận tải chiều 2/6, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải (Bộ Giao Thông) cho biết dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 vừa được trình lên Chính phủ.
Tại dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Bộ Giao thông Vận tải muốn bổ sung quy định cho phép đơn vị kinh doanh vận tải điều hành xe thông qua phần mềm kết nối giữa trung tâm điều hành với lái xe và hành khách, thay thế cho việc điều hành thông qua bộ đàm và trung tâm liên lạc. Dự thảo nghị định cũng cho phép kinh doanh vận tải được sử dụng hợp đồng điện tử, song trước khi thực hiện phải báo cáo thông qua phần mềm các thông tin liên quan chuyến đi...
“Nhiều người gọi xe sử dụng hợp đồng điện tử là taxi điện tử nhưng chưa chính xác, bản chất dịch vụ Uber, Grab là phần mềm kết nối cung cầu, khách hàng có thể kiểm soát thông tin về xe đi lại. Vấn đề đặt ra là giữa các loại hình này có cạnh tranh bình đẳng không? Tôi khẳng định không có gì bất bình đẳng, vì trước khi có Grab, Uber thì xe hợp đồng đã có mặt trên thị trường”, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cũng đồng tình khi Nghị định (NĐ) 86/2014 sửa đổi quy định 1 xe hợp đồng chỉ có 1 hợp đồng, tránh lách luật dẫn đến tình trạng 1 xe có tới 50 hợp đồng. Theo ông Thanh, lâu nay vẫn xem xe hợp đồng trá hình là vấn nạn, tìm cách “trói” lại, xử lý nghiêm, nhiều NĐ đã ra đời nhưng không giải quyết được. Trong khi thực tế đã phát sinh nhiều loại hình mới, ngoài xe hợp đồng du lịch nhưng chạy như tuyến cố định trước đây, hiện nay còn có thêm Limousine rồi Uber, Grab. “Yêu cầu của người dân ngày càng cao, người ta không chấp nhận vào bến mua vé, xe hợp đồng đáp ứng được yêu cầu này mà tìm cách trói lại là không hợp lý. Những loại hình vận tải nào phục vụ hành khách thuận tiện, văn minh hơn cần tạo điều kiện cho phát triển, xe truyền thống sẽ phải tự cạnh tranh về dịch vụ, chất lượng, giá cả”, ông Thanh nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng cho rằng cần sắp xếp gọn lại, không nhất thiết quy định 5 loại hình vận tải, gây khó quản lý như hiện nay. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm việc trốn, lậu thuế, nạn xe dù bến cóc. Mặt khác, với Uber, Grab, theo ông Thanh đây là loại hình vận tải ứng dụng công nghệ cao, với số lượng xe lớn gấp đôi xe taxi truyền thống đã hình thành một loại hình vận tải mới, không nên ngăn cấm mà phải có định hướng phù hợp. Nếu hạn chế Uber, Grab, người lao động đang chạy cho ứng dụng này sẽ không được bảo vệ.
Dẫn lại việc taxi truyền thống cho rằng Uber, Grab trốn thuế, cạnh tranh không bình đẳng, ông Thanh thẳng thắn cho biết không chăm chăm bảo vệ taxi truyền thống vì taxi truyền thống cũng có nhiều khuyết tật buộc phải đổi mới. Tuy nhiên, để minh bạch thực sự thì phải quản lý được thuế, cũng như nếu hạn chế taxi truyền thống vào bến xe thì phải hạn chế cả Grab, Uber, không phải bên dễ dãi, bên khắt khe.