Mặc dù là một đất nước có nền văn hóa và kinh tế phát triển nhưng trong xã hội Nhật Bản thời điểm hiện nay vẫn tồn tại sự phân biệt, xa lánh với tầng lớp Burakumin.
Nếu như ở Ấn Độ, người Dalit bị cả xã hội ruồng bỏ, bị tước đi quyền bình đẳng và xem như không đáng để đụng tới do xuất thân thấp hèn thì ở Nhật Bản, người Burakumin cũng từng bị xua đuổi như vậy do nghề nghiệp mà họ đang làm.
Burakumin là cái tên mang tính chất miệt thị, được sử dụng để chỉ nhóm cộng đồng lao động chân tay có liên quan đến chết chóc như: đao phủ, giết mổ động vật, người bán hàng thịt, nhân viên mai táng,…Khi nền văn hóa và kinh tế của đất nước Nhật Bản phát triển, sự phân biệt với người Burakumin vẫn còn khá rõ ngay cả khi họ là những người đứng sau những thớ thịt bò Kobe mang lại danh tiếng cho đất nước này.
Minh chứng cụ thể là ở tại một chợ thịt của Tokyo, hàng trăm bức thư với những lời nguyền rủa, miệt thì trải kín khắp mặt bàn nhằm ám chỉ những người Burakumin đang có mặt ở đó.
Yuki Miyazaki, một thợ giết mổ chia sẻ: “Khi người ta hỏi chúng tôi rằng công việc của chúng tôi là gì, chẳng ai dám trả lời cả. Đó là vì chúng tôi không muốn gia đình mình bị tổn thương, con cái bị bạn bè kì thị. Nếu chỉ là chúng tôi không thôi, sẽ rất dễ dàng để đáp trả lại, nhưng còn con trẻ, chúng nào đâu có sức mạnh để chống lại lời nói gây tổn thương?".
Thời phong kiến, những người Burakumin ở Nhật Bản bị xếp vào tầng lớp dưới đáy của xã hội gọi chung là Eta. Những người thuộc tầng lớp này sẽ bị các Samurai toàn quyền giết chết nếu không may mắc phải tội nào đó. Đặc biệt trong thế kỷ 19, giá trị của những người thuộc tầng lớp Eta chỉ bằng 1/7 so với người bình thường. Đến ngày nay khi nói về động vật bị giết thịt, người Nhật Bản sẽ nói chúng bị giết bởi bọn Eta.
Những năm 1970, một nhóm người ủng hộ sự bình đẳng của cộng đồng Burakumin đã phát hiện ra danh sách dày 330 trang ghi chi chít tên tuổi, địa chỉ và thông tin cá nhân của các Buraku được bán cho các chủ doanh nghiệp tuyển dụng. Rất nhiều công ty lớn tại Nhật Bản khi biết được danh sách này đẽ sử dụng chúng để loại bỏ các ứng viên dự tuyển là người Burakumin. Cao trào nhất là vào năm 2009, Google Earth đã đánh dấu một khu vực giữa Tokyo và Osaka xác định vị trí ngôi làng nơi các Buraku từng sinh sống trong thời phong kiến. Hậu quả là người ta đã khoanh vùng khu vực này để truy tìm tung tích người có gia cảnh liên quan đến ngôi làng "dơ bẩn".
Năm 1993, theo một kết quả điều tra thì có khoảng 1 triệu Burakumin sống ở khắp nơi trên quốc gia Nhật Bản. Tuy nhiên theo tổ chức giành quyền bình đẳng cho người Burakumin được thành lập vào năm 1955 thì thực chất số người thuộc tầng lớp này có đến 3 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 2 triệu người đã che giấu thân phận của mình và cố gắng sống hòa nhập với xã hội.
Kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều giải pháp nhằm nỗ lực xóa nhòa khoảng cách giữa cộng đồng người Burakumin và xã hội Nhật Bản. Cho đến thời điểm hiện tại, tư tưởng của người dân về cộng đồng Burakumin cũng đã thoáng hơn. Tại những chợ thịt ngoài những bức thư thù ghét thì còn có những bức thư cảm ơn của học sinh tiểu học. Có lẽ trong tương lai sự phân biệt giai cấp Burakumin trong xã hội Nhật Bản sẽ phai nhạt dần và biến mất.