Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 4/5, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến tình trạng heo rớt giá gây ảnh hưởng đến bà con nông dân nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Người đứng đầu chính phủ đã nêu lên thực tế hiện nay, khi mà giá thịt heo ngoài thị trường giảm kỷ lục, loại tốt xuống dưới 28.000 đồng một kg, có nơi dưới 25.000 đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, mặt hàng này bán ngoài thị trường vẫn ở mức cao, siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng một kg. Ông cũng nói: “Tôi yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục”.
Được biết đây lần đầu tiên trong một thập kỷ, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 4 không tăng mà nguyên nhân chính là do giá thịt lợn giảm mạnh vì nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu không tăng.
Trong văn bản chỉ đạo ngày 29/4 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ từ cuối năm 2016 đến nay ngành này phát triển quá nóng dẫn đến cung vượt cầu, giá thịt lợn giảm sâu ảnh hưởng đến người chăn nuôi.
Để tháo gỡ khó khăn đó Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh đàm phán tìm kiếm thị trường. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, địa phương làm việc cụ thể với doanh nghiệp chế biến, hộ tiêu thụ lớn về thịt (khu công nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang) để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng thịt trong nước.
Bộ trưởng bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ông Nguyễn Xuân Cường cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ bà con bằng cách giảm giá thức ăn chăn nuôi, tăng giá thành thu mua thịt và mua thức ăn trữ đông.
Hầu hết doanh nghiệp đã đồng ý thực hiện lời kêu gọi của ông Cường, một số đơn vị cho biết đã giảm giá thức ăn chăn nuôi khoảng 5-7%, có đơn vị đã tăng cường bán thịt theo miếng hay chế biến thành xúc xích.
Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao trách nhiệm hướng dẫn ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng xem xét giãn nợ, miễn giảm lãi đối với khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới những cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay để phát triển sản xuất.
Về giải pháp lâu dài, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, hạn chế mở mới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm quy mô đàn lợn nhất là lợn nái, điều chỉnh cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường.