Nếu dùng chung thuốc giảm đau với đồ uống chứa cồn sẽ làm mất tác dụng của thuốc, còn khi kết hợp thuốc với một số thực phẩm khác có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Những điều cần lưu ý khi uống thuốc để không gây hại cho sức khỏe
Nếu dùng chung thuốc giảm đau với đồ uống chứa cồn sẽ làm mất tác dụng của thuốc, còn khi kết hợp thuốc với một số thực phẩm khác có thể gây ra tác dụng phụ.
Khi sử dụng thuốc, thông thường chúng ta sẽ dùng chung với nước lọc. Tuy nhiên có một số trường hợp ta có thể dùng chung với sữa hay một loại nước uống nào đó để thuốc phát huy tác dụng nhanh hơn. Bên cạnh đó, có một số loại thuốc và thực phẩm không hợp với nhau, nếu dùng chung có thể làm mất tác dụng của thuốc thậm chí gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là danh sách các loại thuốc và thực phẩm không nên dùng chung với nhau:
Aspirin không uống chung với rượu, bia hoặc sinh tố trái cây. Bia rượu vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành acetaldehyde thông qua quá trình oxy hoá, sau đó chuyển hoá thành axit axetic. Trong khi đó, aspirin lại cản trở quá trình chuyển hoá này, khiến acetaldehyde tích trữ trong cơ thể, gây nóng trong người, đau nhức toàn thân, tổn thương gan. Sinh tố trái cây làm tăng kích thích của aspirin lên dạ dày gây xuất huyết dạ dày.
Thuốc kháng sinh cần tránh dùng chung với những sản phẩm từ sữa và sinh tố trái cây. Sữa làm giảm hoạt tính kháng sinh khiến thuốc không phát huy được công dụng tối đa. Còn AHA có trong sinh tố đẩy nhanh tốc độ hoà tan kháng sinh, không những làm giảm hiệu quả thuốc mà còn sinh ra các chất có hại gây tác dụng phụ.
Berberin cần tránh uống với trà. Trong trà có chứa tannin, chất này khi vào cơ thể sẽ phân giải thành tannin axit. Axit này làm lắng đọng các Alkaloids có trong berberin, làm giảm hiệu quả của thuốc.
Thuốc giảm huyết áp cần tránh ăn bưởi hay uống nước ép bưởi. Naringenin có trong bưởi ảnh hưởng không tốt đến men gan. Chất men này có liên quan đến quá trình trao đổi chất của thuốc hạ huyết áp khiến nồng độ thuốc trong máu quá cao và gây ra tác dụng phụ.
Thuốc có thành phần canxi kỵ rau chân vịt sống. Loại rau này chứa một lượng lớn potassium oxalate, chất này điện giải thành ion oxalate sau khi vào cơ thể. Ion oxalate làm lắng đọng canxi, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ thuốc, đồng thời tạo thành canxi oxalate - chất gây tiêu chảy, khô tóc và một số triệu chứng khác.
Thuốc chống dị ứng không nên uống gần thời điểm sử dụng các sản phẩm từ thịt hoặc pho mát. Chất histidine có nhiều trong các thực phẩm này vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành histamine, trong khi thuốc chống dị ứng ức chế histamine phân giải. Chất này tích tụ nhiều trong cơ thể sẽ gây đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh.
Thuốc chữa bệnh dạ dày không dùng khi ăn kẹo. Vị đắng trong thuốc kích thích tuyến nước bọt, dịch vị dạ dày hỗ trợ tiêu hoá, kích thích ăn uống. Kẹo ngọt vừa làm giảm hiệu quả thuốc vừa sinh ra phản ứng khiến hàm lượng chất có lợi trong thuốc bị giảm đi.