Enceladus là vệ tinh lớn thứ 6 của sao Thổ. Nó được nhà thiên văn học William Herschel phát hiện vào năm 1789. Enceladus có đường kính 500km, bằng 1/10 kích thước của "người đồng nghiệp" lớn nhất là Titan.
Buổi họp báo của NASA hé lộ Enceladus sở hữu nhiều điều kiện cần thiết cho sự sống và được các nhà khoa học chính thức xếp vào những địa điểm có khả năng tồn tại sự sống trong hệ Mặt Trời. Theo đó, bốn điều kiện cần và đủ để sự sống tồn tại là nước, những chất hoá học cần thiết, một nguồn năng lượng và thời gian đủ để sự sống phát triển. Tàu thăm dò Cassini hiện đang quay quanh sao Thổ đã cung cấp cho chúng ta thêm nhiều dữ liệu mới về Enceladus. Cụ thể, Cassini phát hiện thấy những cột vật chất phun lên từ cực nam của vệ tinh. Các nhà khoa học đã xác định được 1,4% vật chất trong cột phân tử là hydro, sản phẩm của phản ứng thuỷ nhiệt tương tự trên Trái Đất. 0,8% trong đó là CO2. Đây là những hoá chất cần thiết để tạo ra khí methane, loại khí giúp duy trì sự sống cho vi khuẩn dưới đáy đại dương của Trái Đất.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện thấy hơi nước bốc lên từ Enceladus. Những chứng cứ chỉ ra rằng dưới lớp băng bề mặt của Enceladus có thể là một đại dương bao phủ khắp vệ tinh. Các tinh thể băng được tàu Cassini phân tích đã cho thấy đó là băng của nước muối. Theo người ta ước đoán, nước muối như vậy chỉ có thể xuất hiện trong một thể tích nước rất lớn. Cùng với những phản ứng hoá học và phản ứng thuỷ nhiệt, Enceladus trở thành một địa điểm tốt để xuất hiện sự sống ngoài trái đất.
"Sự sống duy nhất chúng ta biết hiện nay chính là sự tồn tại của con người. Nhưng nếu sự sống có thể phát triển trên Enceladus, điều đó có nghĩa trong số hàng tỷ tỷ hành tinh và mặt trăng ngoài kia, chắc chắn sự sống tồn tại ở đâu đó", giáo sư David Rothery đến từ ở Đại học Open cho biết. Đến tháng 8 năm nay, NASA sẽ cho tàu Cassini đâm xuống bề mặt sao Thổ để bảo vệ Enceladus. Các nhà khoa học phải hy sinh tàu vũ trụ trị giá 3,3 tỷ USD để tránh nguy cơ khiến Enceladus nhiễm khuẩn từ Trái Đất.