Khủng long bạo chúa hay Tyrannosaurus rex là loài duy nhất thuộc chi khủng long theropoda sống vào cuối kỷ phấn trắng. Đến nay, nó vẫn được coi là loài ăn thịt mạnh nhất trên đất liền.
Theo International Business Times, khả năng để một số động vật có vú ăn thịt nghiền nát xương con mồi bằng vết cắn của chúng gọi là nắn xương cực độ ( extreme osteophagy). Khả năng này được quan sát thấy ở linh cẩu, chó sói ngày nay cũng như khủng long bạo chúa thời tiền sử.
Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học bang Florida, Mỹ cũng đã xây dựng mô hình máy tính dựa trên giải phẫu cơ hàm của khủng long bạo chúa nhằm tìm hiểu ra răng của chúng nghiền nát con mồi như thế nào và tính toán lực cắn cũng như áp lực do răng tạo ra. Theo đó, lực cắn của khủng long bạo chúa khổng lồ đo được khoảng 3.630 kg, tức là tương đương với trọng lượng của 3 chiếc xe ô tô loại nhỏ. Những chiếc răng dài hình nón tạo ra áp lực khoảng 30.300 kg/cm2, khiến xương con mồi tan ra thành từng mảnh.
Khả năng này giúp cho khủng long bạo chúa có lợi thế hơn các loài ăn thịt khác. Vào cùng thời điểm và cùng con mồi, khủng long bạo chúa có thể thu được nhiều dinh dưỡng hơn các loài khác. "Khi khủng long bạo chúa ăn con mồi, chẳng hạn như khủng long ba sừng, khả năng nghiền nát xương cho phép chúng không những lấy chất dinh dưỡng từ thịt mà còn từ tủy xương. So với các động vật ăn thịt khác, khủng long bạo chúa thu được nhiều năng lượng hơn trong bữa ăn", Gregory Erickson, thành viên của nhóm nghiên cứu, nói.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, hệ thống tính toán này sẽ cho phép họ mô phỏng được cơ chế ăn uống của nhiều loài khủng long khác, qua đó giúp hiểu thêm một số đặc tính sinh học của chúng.