Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã đạt thành thoả thuận về 8 ngành nghề được tự do di chuyển gồm: Nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Tuy vậy, mới đây Ngân hàng Thế giới đã đánh giá nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79/10.
Bà Hà Thị Minh Đức, Phó vụ trưởng hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh xã hội đã đưa ra con số về những kiến trúc sư, kỹ sư được công nhận trình độ ASEAN giữa các nước trong khu vực để chứng minh cho việc lực lượng lao động Việt Nam mặc dù được đánh giá cao nhưng không được trọng dụng. Theo đó, Brunei có 6 kỹ sư và 44 kiến trúc sư, Indonesia có 747 kỹ sư và 60 kiến trúc sư, Myanmar có 200 kỹ sư và 12 kiến trúc sư được công nhận. Trong khi đó, Việt Nam có 196 kỹ sư và chỉ có 10 kiến trúc sư được công nhận trình độ ASEAN tính đến tháng 9/2016.
Bà Đức cũng cho biết lý do lao động Việt Nam mất giá như vậy là vì còn nhiều hạn chế về tác phong, tinh thần làm việc, khả năng ngoại ngữ và tính kỷ luật.
Rào cản về ngoại ngữ: Trong khi các nước khác như Singapore, Malaysia, Brunei coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong đào tạo lao động thì ở Việt Nam, nhiều nơi vẫn chưa chú trọng việc sử dụng ngôn ngữ quốc tế này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc ra nước ngoài tiếp thu tri thức và làm việc còn rất nhiều hạn chế, góp phần khiến cho lao động Việt Nam không được đánh giá cao.
Tính kỷ luật: Mặc dù được đánh giá cao về năng lực nhưng lao động Việt Nam lại mắc phải những tật xấu như làm việc bốc đồng, thiếu kỷ luật, thường xuyên tập trung nhậu nhẹt, cờ bạc,… nên không phù hợp với các quốc gia có nền văn hóa khác biệt hay đòi hỏi tính kỷ luật cao.
Để chứng minh cho những lý do trên, bà Đức chia sẻ: “Lao động nam giới Việt Nam ngồi với nhau kiểu gì cũng bài bạc, rượu chè. Họ sang Malaysia làm cho chó mèo của người ta biến mất hết, ngay cả chim chóc cũng bị nấu thành cháo. Không thể thay đổi được nếu như hệ thống dạy nghề và hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam không biến chuyển. Chúng ta có đầu óc, chúng ta có khả năng thuyết phục người khác, chỉ có điều hệ thống giáo dục chưa làm làm thế nào để bản thân học sinh, sinh viên có suy nghĩ hiện đại hơn, có tư duy và tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn, vấn đề này sẽ tác động rất lớn đến khả năng làm việc của lao động Việt Nam”
Ngoài những vấn đề trên, lao động Việt Nam còn gặp thêm nhiều rào cản khác khi dịch chuyển các lao động có kỹ năng. Các nước ở ASEAN hiện đã thoả thuận công nhận lẫn nhau, một số lao động Việt Nam cũng đã được công nhận trình độ ở cả ASEAN nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động của các nước hiện vẫn chưa có đánh giá cụ thể. Do đó, sắp tới bộ LĐ - TBXH sẽ tổ chức một cuộc điều tra về thị trường lao động ở 8 ngành nghề được tự do dịch chuyển của ASEAN.