Năm 2016 vừa qua, Bộ NN&PTNT quyết liệt ngăn chặn chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi. Chính vì nguồn cung cấp Salbutamol bị khống chế nên một số cơ sở chăn nuôi chuyển sang dùng chất Cysteamine (nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc) để thay thế. Chất này cũng có tác dụng tăng trọng, tỷ lệ nạc cao như Salbutamol.
Thực tế, theo ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT nhận định: Từ tháng 8/2016, lực lượng chức năng liên tục phát hiện ra nhiều trường hợp doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi sử dụng Cysteamine. Qua thanh tra đột xuất Thanh tra Bộ phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi Maxsure và Synergrow có chứa chất Systeamine với hàm lượng đậm đặc 3% và một số hành vi vi phạm khác. Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính công ty này số tiền 197 triệu đồng và buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm theo quy định.
Cysteamine, aminoethanethiol, thioethanolamine, là một sản phẩm chuyển hóa của acid amin cysteine. Trong y khoa, cysteamine được sử dụng để điều trị các rối loạn bài tiết cystin (cystinosis), xơ nang tụy ( cystic fibrosis ), bệnh Batten , bệnh Huntington và các bệnh nhiễm bức xạ. Tác dụng kích thích tăng trọng liên quan tới hóc môn tăng trưởng. Các thí nghiệm cho thấy, chất Cysteamine có thể giúp lợn thịt tăng trọng tới trên 33%, tăng tỉ lệ nạc 4,6%, giảm tỉ lệ mỡ 8,5%. Vào cơ thể, cysteamine ức chế enzyme glutathione peroxidase, làm sản sinh ra nước oxy già (hydroperoxide, H2O2), gây độc tế bào.
Việc sử dụng cysteamine để tăng trọng và tạo nạc vật nuôi dẫn đến sự gia tăng đột biến các hóc môn tăng trưởng, kéo theo sự gia tăng và tồn dư IGF-1 trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất IGF-1 tồn dư trong sữa có thể gây nguy cơ ung thư vú, ung thư đại tràng và tuyến tiền liệt ở người.
Sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào việc sản xuất các sản phẩm dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm động vật”, ông Việt chỉ ra và nhấn mạnh, việc dùng hóa chất công nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản là một hành vi nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới xuất khẩu của ngành thủy sản.
Năm 2015, đã có nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về vì bị tồn dư kim loại nặng.