Vi khuẩn bệnh than được đánh giá là vũ khí sinh học đáng sợ của Triều Tiên vì có khả năng tồn tại trong môi trường rất khắc nghiệt, dễ phát tán và gây tỉ lệ tử vong cao lên tới 90%.
Bệnh than hay còn có tên Anthrax là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra trên các loại động vật máu nóng trong đó có con người. Vi khuẩn bệnh than lây nhiễm qua 3 dạng chính:
► Lây nhiễm qua da: Vi khuẩn bệnh than có thể lây từ động vật sang người và từ người sang người thông qua tiếp xúc da. Bào tử bệnh than sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết thương hở.
► Lây nhiễm qua đường hô hấp: Vi khuẩn bệnh than sẽ gây nguy hiểm nhất nếu chúng lọt vào đường hô hấp. Khi đó, bào tử của vi khuẩn có thể xâm nhập hạch bạch huyết, phát triển thành vi khuẩn và phát tán chất độc phá hoại các tế bào. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, chất độc sẽ tích tụ trong phổi gây ra các triệu chứng như: cảm cúm, cảm lạnh và những ngày sau đó sẽ chuyển biến sang chứng viêm phổi, suy hô hấp, tụt huyết áp, viêm màng não và suy tạng. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi bị nhiễm vi khuẩn bệnh than qua đường hô hấp lên tới 92%.
► Lây nhiễm qua đường tiêu hóa: Xảy ra khi nạn nhân ăn phải thịt của động vật nhiễm bệnh. Khi đi vào cơ thể con người, bào tử bệnh than sẽ mất từ 1 - 60 ngày để phát triển và gây ra những triệu chứng như: sốt, ho, ớn lạnh, buồn nôn và nôn mửa. Khi bị lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa, nếu phát hiện sớm bệnh nhân sẽ được trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc kháng sinh.
Không những có thể dễ dàng lây nhiễm vào cơ thể con người, vi khuẩn bệnh than còn có khả năng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt và rất dễ dàng để nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Chính vì vậy nên khi được sử dụng cho mục đích quân sự, vi khuẩn than trở thành vũ khí sinh học cực kỳ nguy hiểm.
Trong Thế chiến I, các nước Bắc Âu đã sử dụng vi khuẩn bệnh than để tấn công quân đội của Sa hoàng Nga. Trong Thế chiến thứ 2, loại vi khuẩn này lại được quân đội Anh sử dụng để tiêu diệt đàn gia súc lớn của phát xít Đức.
Vào năm 1993, một nhóm tôn giáo Nhật Bản cũng đã phát tán loại vi khuẩn này tại thủ đô Tokyo nhưng không gây thương vong. 8 năm sau, một loạt bức thư chứa bào tử vi khuẩn bệnh than được gửi tới các văn phòng truyền thông và hai thượng nghị sĩ Mỹ, khiến 5 người thiệt mạng và 17 người bị nhiễm bệnh.
Tuần trước, truyền thông Nhật đã cáo buộc Triều Tiên đang nghiên cứu loại vi khuẩn này để nhồi nhét vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, biến chúng thành vũ khí sinh học lợi hại để lây nhiễm bệnh cho binh sĩ và dân thường ở những khu vực mục tiêu.
Cũng trong những ngày gần đây, quan chức tình báo Hàn Quốc cho hay, nước này đã phát hiện một lính Triều Tiên đào tẩu mang trong máu kháng thể bệnh than. Thông tin này gây lo ngại vì cho đến nay, thủ đô Seoul của Hàn Quốc vẫn chưa có loại vắc-xin phòng ngừa bệnh. Có thể thấy rằng Triều Tiên đang thực sự ấp ủ kế hoạch sử dụng vi khuẩn bệnh than để làm vũ khí sinh học, tiêu diệt các thế lực thù địch.