Như mọi người đã biết, xung quanh Trái Đất nơi chúng ta sinh sống có một tầng khí quyển bao quanh. Trọng lượng của tầng khí quyển này đè xuống mọi vật nằm trên bề mặt trái đất và được gọi là áp suất không khí. Áp suất không khí có đơn vị là hectopascals (hPa). Ở điều kiện bình thường, áp suất không khí tiêu chuẩn trên mặt đất là 1.013 hPa. Nếu áp suất ở một điểm thấp hơn con số này, cùng với một số điều kiện thuận lợi khác, điểm đó sẽ hút không khí xung quanh vào và tạo thành bão (để biết thêm về nguyên nhân và quá trình hình thành bão, các bạn có thể tìm hiểu Tại Đây).
Điểm có áp suất thấp này sẽ trở thành mắt bão và áp suất ở đây còn được gọi là áp suất tâm bão. Theo giáo sư Kevin Walsh, chuyên gia khí quyển thuộc Đại học Melbourne, thành phố Victoria (Úc): “Có một sự tương quan giữa áp suất và lượng gió gần mắt bão. Áp suất càng thấp, không khí bị hút vào trong cơn bão càng nhiều, và cuối cùng nó sẽ có sức mạnh lớn hơn”. Tức là với hai cơn bão bất kì, cơn bão nào có áp suất tâm bão thấp hơn sẽ thường có cường độ mạnh hơn. Với hai cơn bão có cùng sức gió, cơn bão nào có áp suất tâm bão thấp hơn sẽ có khả năng phá huỷ lớn hơn. Do đó, khi đề cập đến 10 cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nhân loại cũng tức là chúng tôi đang đề cập đến 10 cơn bão có áp suất tâm bão thấp nhất dù có thể chúng không gây ra thiệt hại đáng kể.
10. Siêu bão Irma (1971)
Siêu bão Irma với vận tốc gió 290 km/h và áp suất tâm bão 884 hPa là cơn bão mạnh nhất trong mùa bão khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương năm 1971. Vào thời điểm hoạt động, Irma cũng là cơn bão có kỷ lục tăng cường độ nhanh nhất khi áp suất tâm bão giảm từ 981 hPa xuống 884 hPa chỉ trong vòng 24h. Rất may, trong thời gian tồn tại siêu bão Irma chỉ hoạt động ngoài khơi, gây thiệt hại nhỏ trên một số đảo trong khu vực và tác động đến một con tàu ở gần đấy.
Bản đồ đường đi của siêu bão Irma, màu đỏ biểu thị trạng thái siêu bão
9. Siêu bão Wilma (2005)
Siêu bão Wilma từng nắm giữ kỷ lục là cơn bão có áp suất thấp nhất được ghi nhận ở Tây bán cầu và khu vực Đại Tây Dương đến tận năm 2015. Hình thành vào ngày 17/10/2005 ở khu vực vùng biển Caribe, Wilma nhanh chóng tăng cường độ và trở thành bão cấp 5 với áp suất thấp nhất 882 hPa cùng lên tới sức gió 298 km/h. Cường độ của Wilma hạ xuống sau khi trở thành siêu bão tuy nhiên trong lần đầu tiên đổ bộ vào bán đảo Yucatan của Mexico, vận tốc gió cao nhất vẫn đạt 240 km/h. Cơn bão đi sâu hơn vào đất liền, tấn công Mexico và một phần lãnh thổ Florida. Khá may mắn là lúc đó Wilma chỉ đạt cấp 2 đến cấp 3. Tuy nhiên, nó vẫn kịp khiến 87 người thiệt mạng và thiệt hại về tài sản ước tính lên tới 29,4 tỷ USD.
Bản đồ đường đi siêu bão Wilma
8. Siêu bão Vanessa (1984)
Xếp thứ 8 trong danh sách những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử thế giới là “cô nàng” Vanessa với áp suất thấp nhất 880 hPa và tốc độ gió lúc cao nhất là 310 km/h. Lúc đầu, khi tấn công đảo Guam (Hoa Kỳ), nó chỉ là một cơn bão nhỏ với sức gió khoảng 109 km/h. Tuy nhiên, trong quá trình di huyển về hướng Tây Bắc, Vanessa ngày càng mạnh lên và nhanh chóng trở thành siêu bão mạnh nhất mùa bão năm 1984. Mặc dù không đổ bộ vào đất liền khi đã là siêu bão tuy nhiên rìa mây mưa của Vanessa cũng đã gây ra lũ lụt trên diện rộng ở Philippines khiến 63 người thiệt mạng.
Bản đồ đường đi siêu bão Vanessa
7. Siêu bão Kit (1966)
Trở thành bão vào ngày 23/6, Kit tăng cường độ và sức mạnh liên tục trong 3 ngày tiếp theo và chính thức đạt cấp độ siêu bão vào 26/6. Trong thời gian này, áp suất cơn bão đạt đỉnh điểm 880 hPa và vận tốc gió lớn nhất ước tính vào khoảng 315 km/h (con số này có thể thấp hơn do công nghệ đo tốc độ gió sơ khai lúc bấy giờ). Kit suy yếu dần khi di chuyển theo hướng Đông - Đông Bắc và ngày 28/6 rìa cơn bão tấn công vào phía đông nam của đảo Honshu (Nhật Bản). Đến ngày 30/6, cơn bão tan ở gần đông bắc Hokkaido. Trong 1 tuần hoành hành, mặc dù trung tâm siêu bão luôn nằm ở ngoài khơi nhưng thiệt hại mà nó gây ra đối với Nhật Bản là vô cùng nặng nề. Ảnh hưởng từ cơn bão đã khiến hơn 128.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, 64 người thiệt mạng và 19 người khác mất tích.
Bản đồ đường đi siêu bão Kit
6. Siêu bão Rita (1978)
Áp thấp nhiệt đới 28W bắt đầu hình thành ngoài khơi vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương vào ngày 15/10/1978. Đến ngày 18/10, áp thấp này chính thức trở thành cơn bão nhiệt đới thứ 28 của mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương năm 1978 và được đặt tên là Rita. Đến cuối ngày 19/10, Rita đạt đến cấp 1 trong thang bão Staffir - Simpson. Chưa dừng lại ở đó, ngày 23/10 cơn bão đạt đến cấp 5 - cấp siêu bão với áp suất thấp nhất đo được là 878 hPa và sức gió 280 km/h. Sau 3 ngày duy trì sức mạnh, Rita đổ bộ vào đảo Luzon (Philippines) với cường độ cấp 4. Cơn bão hoành hành tại đây hơn 2 ngày, vượt qua Philippines rồi trở thành cấp 1 và tan gần bờ biển nước ta. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể song thiệt hại về người và của ở Philippines được ước tính là rất lớn.
Bản đồ đường đi siêu bão Rita
5. Siêu bão Ida (1958)
Là nguyên nhân gây ra cái chết của 1.269 người Nhật, siêu bão Ida (còn có tên gọi khác là Kanogawa) là cơn bão làm chết người nhiều thứ 3 trong lịch sử của quốc gia này. Bắt đầu hình thành vào ngày 20/9/1958 ở gần đảo Guam, cơn bão di chuyển về phía Tây đồng thời tích tụ sức mạnh để trở thành một cơn bão cấp 3 vào ngày 21/9. Đến ngày 24/9, máy bay săn bão ghi nhận được mức áp suất tối thiểu 877 hPa và sức gió 325 km/h - các thông số của một siêu bão mạnh nhất lúc bấy giờ. Kỷ lục này được Ida nắm giữ đến tận năm 1975. Rất may mắn là cơn bão đã không thể duy trì sức mạnh lâu. Khi di chuyển theo hướng Bắc - Đông Bắc, Ida liên tục suy yếu và đổ bộ lên vùng đông nam đảo Honshu (Nhật Bản) với sức gió 190 km/h. Cơn bão được coi là tan đi vào ngày 28 ở vùng biển phía đông Nhật Bản. Mặc dù bị suy yếu đi nhiều trước khi đổ bộ, Ida vẫn gây ra mưa lớn và lũ lụt dẫn tới hơn 1.900 trận lở đất và tổn thất tài sản ước tính 50 triệu USD.
Bản đồ đường đi siêu bão Ida
4. Siêu bão Nora (1973)
Siêu bão Nora được xếp thứ 4 trong danh sách 10 cơn bão mạnh nhất lịch sử loài người với áp suất 877 hPa và vận tốc gió lên tới 295 km/h. Bắt nguồn từ một áp thấp nhiệt đới hình thành ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương vào ngày 2/10/1973, Nora trở thành bão vào tối ngày 3/10 và di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tăng cường sức mạnh nhanh chóng và trở thành siêu bão cấp 5 vào tối ngày 5/10. Dù có cường độ khủng khiếp, cơn bão suy yếu chỉ một ngày sau và chuyển sang hướng Tây Bắc khi đến gần Philipines. Nora đi sượt qua Luzon, Đài Loan rồi tấn công Trung Quốc và tan vào ngày 11 tháng 10 ở đó. Mặc dù chỉ có cường độ cấp 3 khi đi qua Philippines và Đài Loan tuy nhiên mưa lớn cùng gió mạnh do ảnh hưởng của cơn bão vẫn khiến 1 triệu người Philippines, 8 nghìn người Đài Loan mất nhà cửa với thiệt hại ước tính khoảng 2 triệu USD. Bên cạnh đó, 40 người đã thiệt mạng cùng 28 người khác mất tích sau cơn bão.
Bản đồ đường đi siêu bão Nora
3. Siêu bão June (1975)
Là cơn bão mạnh nhất mùa bão năm 1975 đồng thời cũng là cơn bão mạnh nhất thế giới tính đến trước năm 1979, June có áp suất thấp nhất lên tới 875 hPa với sức gió tối đa 195 km/h. Đây cũng là cơn bão đầu tiên được ghi nhận có 3 thành mắt bão đồng tâm. May mắn thay, cơn bão không tác động vào đất liền trong khoảng thời gian tồn tại từ ngày 15/11 -24/11.
Bản đồ đường đi siêu bão June
2. Siêu bão Patricia (2015)
Được ghi nhận là cơn bão mạnh thứ hai trong lịch sử nhân loại, siêu bão Patrcia có sức gió lên tới 345 km/h và áp suất thấp nhất đạt 872 hPa. Những số liệu trên cũng khiến siêu bão này trở thành cơn bão mạnh nhất ở Tây bán cầu và mạnh nhất trong lịch sử khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương. Bắt nguồn từ áp thấp nhiệt đới 20 - E hình thành ngày 20/10, Patricia tăng cường độ nhanh chóng và trở thành bão cấp 5 với sức gió 295 km/h cùng áp suất 892 hPa vào ngày 23/10. Chưa dừng lại, Patricia tiếp tục tích tụ sức mạnh để đạt đến đỉnh rồi đổ bộ vào Mexico ngay trong đêm 23 và tan vào ngày hôm sau. Tuy chỉ tồn tại trong 4 ngày nhưng Patricia vẫn kịp làm 8 người chết và thiệt hại tài sản ước tính là 0,41 tỷ USD.
Bản đồ đường đi siêu bão Patricia
1. Siêu bão Tip (1979)
Siêu bão Tip (còn gọi là siêu bão Warling) là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nhân loại tính đến thời điểm này. Cơn bão có tốc độ gió tối đa 305 km/h và áp suất kỷ lục 870 hPa. Đồng thời, ở lúc đỉnh điểm, trường gió của Tip cũng bao phủ một khu vực với đường kính lên tới 2.220 km, biến siêu bão này trở thành cơn bão có kích thước lớn nhất hiện nay. Phát triển từ một nhiễu động nhiệt đới, Tip đạt trạng thái bão vào ngày 4/10/1979 ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trước đó cơn bão bị cản trở bởi một cơn bão khác và chỉ tăng cường độ sau khi cơn bão này di chuyển về phía Bắc. Đến ngày 12/10, Tip vượt qua đảo Guam và phát triển nhanh chóng đến đỉnh điểm. Cơn bão suy yếu dần khi di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc rồi bất ngờ chuyển sang hướng Đông Bắc. Đến ngày 19/10, Tip đổ bộ vào miền nam Nhật Bản với sức gió 130 km/h. Sau đó, cơn bão được xem như tan khi di chuyển về phía Đông Bắc. Mặc dù đã suy yếu khi đổ bộ vào đất liền, siêu bão mạnh nhất trong lịch sử vẫn lấy đi sinh mạng của 99 người, làm 283 người khác bị thương và khoảng 11.000 người mất đi nhà cửa.
Bản đồ đường đi siêu bão Tip
Trên đây là 10 cơn bão mạnh nhất trong lịch sử thế giới mà nhân loại từng phải đối mặt. Hiện nay, do sự tàn phá môi trường mà hiện tượng ấm lên toàn cầu đang ngày một tăng lên kéo theo nhiệt độ bề mặt của các đại dương vùng nhiệt đới cũng tăng lên theo. Đây là nguyên nhân khiến cho số lượng và chất lượng của các cơn bão nhiệt đới đang ngày một lớn hơn. Do đó, việc loài người phái đối mặt với một siêu bão Tip thậm chí mạnh hơn rất nhiều lần trong tương lai là hoàn toàn có thể.