Béo phì - Căn bệnh nguy hiểm và phổ biến ở Việt Nam

Theo sự phát triển của kinh tế và công nghệ, con người ngày càng ăn nhiều hơn, vận động ít hơn. Điều này dẫn tới tình trạng béo phì ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, các bạn nên biết thêm thông tin về căn bệnh này để có cách điều phòng cũng như điều trị nếu chẳng may bị mắc phải.
 

Béo phì - Căn bệnh nguy hiểm và phổ biến ở Việt Nam
 

Béo phì là gì?

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là tình trạng tích luỹ mỡ vượt quá mức bình thường tại một vùng hoặc toàn bộ cơ thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Thông thường, một người khoẻ mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý có cân nặng dao động trong một khoảng nhất định. Hiện WHO đang sử dụng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) để xác định tình trạng béo, gầy của một người.

Công thức tính chỉ số BMI xác định tình trạng gầy, thừa cân hay béo phì của cơ thể

BMI (kg/m2) = W (kg)/ (H (m)) ^2

Với W là cân nặng và H là chiều cao của một người. So sánh kết quả thu được với số liệu dưới đây:

BMI < 15,0: Thiếu cân rất nặng (suy dinh dưỡng rất nặng).

15,0 < BMI < 16,0: Thiếu cân nặng (suy dinh dưỡng nặng).

BMI < 18,5: Thiếu cân (được xác định là suy dinh dưỡng).

18,5 < BMI < 24,9: Cân nặng bình thường.

25,0 < BMI < 29,9: Thừa cân (tiền béo phì).

30,0 < BMI < 34,9: Béo phì cấp độ I.

35,0 < BMI < 39,9: Béo phì cấp độ II.

BMI ≥ 40,0: Béo phì cấp độ III.
 

Nguyên nhân gây ra căn bệnh béo phì

Chế độ dinh dưỡng không đúng tiêu chuẩn

Chế độ ăn cung cấp nhiều năng lượng hơn mức cần thiết cộng với lối sống và làm việc ít vận động, ít tiêu hao năng lượng sẽ khiến cho cơ thể tăng cân nhanh chóng. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, thừa 70 calo mỗi ngày sẽ dẫn đến tăng cân. Con số này rất dễ đạt tới với chế độ dinh dưỡng giàu năng lượng và quá trình sinh hoạt ít vận động.
 

Béo phì - Căn bệnh nguy hiểm và phổ biến ở Việt Nam
 

Các món ăn giàu chất béo thường được chế biến ngon miệng nên dễ khiến cho mọi người ăn nhiều mà không để ý khống chế lượng thức ăn. Trong khi đó, mỡ lại chứa rất nhiều năng lượng và cần rất ít calo để chuyển hoá thành chất dự trữ triglyxerit. Vì vậy, khẩu phần ăn nhiều chất béo sẽ bổ sung rất nhiều calo gây ra thừa cân. Mặt khác, các chất có trong thức ăn như protit, lipid, đường gluxit cũng sẽ chuyển thành chất béo dự trữ nếu cơ thể quá thừa năng lượng. Như vậy, khẩu phần ăn nhiều tinh bột, đường và đồ ngọt cũng gây béo phì.

Chế độ sinh hoạt ít vận động

Việc thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao sẽ giúp cơ thể cân bằng giữa năng lượng tiêu hao và năng lượng nạp vào cơ thể, đồng thời giảm bớt mỡ ở một số bộ phận trên cơ thể. Do đó, các hoạt động thể lực có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm bớt tình trạng thừa cân, béo phì. Ngoài nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng sai lệch, việc ít vận động cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ béo phì trên thế giới.

Một điểm đáng lưu ý nữa đó là nguyên nhân bệnh béo phì thường xảy ra ở vận động viên đã giải nghệ hay những công nhân lao động đã về hưu. Những đối tượng này trước đó hoạt động thể lực nhiều nên chế độ ăn uống của họ rất giàu năng lượng. Tuy nhiên khi công việc, lối sống thay đổi, hoạt động thể lực giảm, họ thường vẫn giữ thói quen ăn uống dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh béo phì rất cao. Điều này cũng giải thích cho việc đa số người bị bệnh béo phì nằm ở độ tuổi trung niên.

Yếu tố di truyền, bẩm sinh

Một nghiên cứu ở Thái Lan đã cho thấy, những em có cha, mẹ hoặc cả hai bị béo phì sẽ có tỉ lệ bị béo phì nhiều gấp 3 lần so với những đứa trẻ khác. Trong số đó, khoảng 70% có cha hoặc mẹ bị béo phì, 30% có cả cha và mẹ đều bị béo phì. Mặt khác, một gia đình có nhiều cá nhân bị béo phì thường khiến cho nguy cơ béo phì ở các thành viên còn lại gia tăng rất lớn. Mặc dù điều này không loại trừ nguyên nhân do chế độ ăn uống, sinh hoạt chung của gia đình đó.

Kinh tế ổn định, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm 

Thông thường, ở các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc bệnh béo phì thường thấp do nguồn cung cấp thực phẩm hạn chế, công nghệ thô sơ khiến cho các hoạt động thể lực gia tăng. Ngược lại, ở các nước phát triển, tỷ lệ béo phì thường cao hơn khá nhiều. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, hiện tượng “gánh nặng kép” lại đang diễn ra ở nhiều nước Châu Á. Đây là hiện tượng xảy ra khi một quốc gia đồng thời tồn tại cả tình trạng thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng. Mặt khác, một nghịch lý lại đang diễn ra ở các nước phát triển khi tỷ lệ béo phì xảy ra ở người nghèo lớn hơn so với những người khá giả. Nguyên nhân này có thể lý giải: Ở các quốc gia này, sự thiếu ăn không còn phổ biến trong khi những người ở tầng lớp nghèo vẫn giữ thói quen ăn uống sai lầm. Trong khi đó, những người thuộc tầng lớp khá giả lại bắt đầu quan tâm hơn đến sức khoẻ của mình, do đó họ kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì tốt hơn rất nhiều.
 

Béo phì - Căn bệnh nguy hiểm và phổ biến ở Việt Nam
 

Hậu quả, tác hại và các biến chứng của bệnh béo phì

Người bị bệnh béo phì ngoài việc có thân hình nặng nề, khó coi dẫn đến tâm lý tự ti trong cuộc sống, công việc và trong giao tiếp, ngoài ra họ sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm sau đây:

- Bệnh tim: Bệnh béo phì là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh mỡ trong máu (rối loạn lipid máu) hoặc cholesterol cao. Những căn bệnh này đều sẽ dẫn đến xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và cuối cùng là đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Mặt khác, việc thừa mỡ ở những người béo phì sẽ dẫn đến mỡ bao quanh tim làm cho tim khó co bóp, cản trở máu đến nuôi tim và khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đưa máu đi khắp cơ thể. Điều này sẽ dẫn đến tim quá tải, gây ra các bệnh về tim mạch.

- Tiểu đường: Béo phì gây ra tình trạng đề kháng insulin (hormon điều hoà đường huyết), từ đó dẫn đến bệnh tiểu đường hay đái tháo đường tuýp 2.

- Bệnh xương khớp: Người bị thừa cân, béo phì sẽ khiến cho áp lực lên xương khớp do trọng lượng cơ thể tăng lên, từ đó đẩy nhanh quá trình thoái hoá xương khớp. Các khớp gối, cột sống là những bộ phận đầu tiên chịu tổn thương ở những người mắc bệnh.

- Các bệnh về đường tiêu hoá: Lượng mỡ dư thừa ở người bệnh sẽ bám vào các quai ruột, gây táo bón, lâu dài sẽ dẫn đến bệnh trĩ. Việc ứ đọng các chất thải sau tiêu hoá là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư đại tràng. Mỡ tích tụ ở gan nhiều sẽ gây bệnh gan nhiễm mỡ dẫn đến xơ gan. Rối loạn chuyển hoá mỡ cũng sinh ra bệnh sỏi mật.

- Gây suy giảm trí nhớ: Trẻ em bị béo phì có chỉ số thông minh thấp hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Người lớn bị béo phì có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn bình thường.

- Bệnh về đường hô hấp: Mỡ dư thừa cũng sẽ bám vào cơ hoành, khí phế quản của người bị béo phì, gây rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ.

- Rối loạn nội tiết tố: Phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó mang thai, nguy cơ vô sinh cao. Nếu mang thai sẽ khó sinh, trẻ có nguy cơ bị rối loạn chuyển hoá cao. Nam giới béo phì dễ bị yếu sinh lý, vô sinh.

- Ung thư: Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan mật thiết giữa béo phì với các bệnh ung thư trực tràng, ung thư khí quản, ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan mật.
 

Béo phì - Căn bệnh nguy hiểm và phổ biến ở Việt Nam
 

Cách điều trị bệnh béo phì

Hiện nay, có 3 biện pháp cơ bản để điều trị bệnh thừa cân, béo phì. Cụ thể như sau:

- Biện pháp dinh dưỡng: Là biện pháp tìm ra chế độ dinh dưỡng tối ưu để giảm cân và tiến tới duy trì mức cân nặng bình thường. Nguyên tắc của biện pháp này là tính toán ra độ giảm năng lượng đưa vào, từ đó giảm khẩu phần ăn hàng ngày tương ứng với con số đã tính. Tuy nhiên, biện pháp này khá khó khăn ở khâu tính toán. Nếu tính ra ít hơn con số cần thiết sẽ không có hiệu quả điều trị, còn tính ra nhiều hơn sẽ dẫn tới thiếu hụt năng lượng, không thể làm việc hoặc gây phản tác dụng do ăn bổ sung không đúng thời điểm.

- Biện pháp dùng thuốc: Hiện nay, việc dùng thuốc để điều trị bệnh béo phì chủ yếu là tác động vào trung tâm thèm ăn ở não bộ gây giảm ăn, chán ăn, chê ăn hoặc tác động vào đường ruột để giảm sự hấp thu năng lượng. Biện pháp này thường cần thời gian dài và đòi hỏi uống thuốc liên tục.

- Biện pháp phẫu thuật: Đây là biện pháp can thiệp vào hệ tiêu hoá bằng phương pháp phẫu thuật, từ đó khiến cho khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể giảm đi, khiến cơ thể phải sử dụng phần chất béo dự trữ. Biện pháp phẫu thuật thường áp dụng gồm có: Bắc cầu dạ dày hình chữ Y, chít hẹp dạ dày, cắt bán phần dạ dày, bắc cầu nối tá tuỵ. Biện pháp này cũng cần một thời gian để đưa cơ thể về trạng thái bình thường.

Phương pháp phòng ngừa bệnh béo phì

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo như thịt mỡ, chân giò, nước luộc thịt, bơ, pho mát mềm, váng sữa, sữa nguyên kem, da các loại gia cầm nhiều mỡ,... Ăn ít các thức ăn chứa nhiều bột, đường (trung bình một bữa nên ăn khoảng 15 - 20gr gạo). Không nên bỏ hẳn các loại thức ăn này vì sẽ dẫn tới rối loạn chuyển hoá trong cơ thể.

Ăn đủ bữa trong ngày, nên chia nhỏ các bữa ăn để hạn chế cảm giác đói và vẫn bổ sung đủ các chất dinh dưỡng. Không nên bỏ bữa nhất là bữa sáng vì sẽ khiến cơ thể ăn nhiều hơn trong các bữa ăn sau, gây dư thừa năng lượng và tích trữ mỡ.

Tăng cường hoạt động thể lực

Để kiểm soát cân nặng và giảm béo, tốt nhất là tập luyện với cường độ thấp trong thời gian dài. Các bài tập đơn giản như đạp xe, bơi hay tập thể dục trong nước rất tốt cho cơ thể do giảm được áp lực lên hệ thống xương khớp khi tập. Thời gian tập mỗi ngày ít nhất phải từ 30 - 60 phút, lúc tập lưu ý hít thở đều đặn để bổ sung đủ lượng oxy cho cơ thể, giúp oxy hoá lượng mỡ dự trữ, giảm bớt cảm giác thèm ăn  sau khi tập. Càng luyện tập đều đặn, lâu dài thì tác dụng giảm bớt cân nặng càng lớn. Trong khi đó, các bài tập thể hình, rèn luyện sức khoẻ (nâng tạ, xà đơn, xà kép,...) thường khó áp dụng do những đối tượng thừa cân, béo phì có nguy cơ thoái hoá, tổn thương xương khớp khá cao.

Trên đây là câu trả lời cho những ban đọc đang thắc mắc về bệnh béo phì là gì, nguyên nhân, hậu quả và các biến chứng của bệnh ra sao cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh béo phì. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn sẽ có thể lập ra một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học, phù hợp với bản thân để phòng tránh được căn bệnh này cũng như nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Tìm hiểu thêm: Thực đơn khoa học để giảm và phòng tránh bệnh béo phì

Tin tức khác

Thay đổi cuộc chơi với những bí quyết bán hàng online đỉnh cao

Thay đổi cuộc chơi với những bí quyết bán hàng online đỉnh cao

Khám phá cách bán hàng online đỉnh cao để cạnh tranh trên thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, thu hút khách hàng và tăng doanh thu.
Hướng dẫn lập kế hoạch bán hàng hiệu quả để x3 doanh số

Hướng dẫn lập kế hoạch bán hàng hiệu quả để x3 doanh số

Nắm trong tay các bước lập được kế hoạch bán hàng chi tiết, hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng doanh số bán hàng một cách ấn tượng.
Sales promotion là gì? Các hình thức sales promotion hiệu quả

Sales promotion là gì? Các hình thức sales promotion hiệu quả

Khám phá sức mạnh và các hình thức sales promotion trong marketing hiện đại để bứt phá doanh số và khơi dậy nhu cầu mua sắm từ khách hàng.
Dịch vụ khách hàng là gì? Các yếu tố tạo nên customer service

Dịch vụ khách hàng là gì? Các yếu tố tạo nên customer service

Dịch vụ khách hàng không đơn giản chỉ là việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn là nghệ thuật tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ.
Hé lộ 9 cách tìm nguồn hàng sỉ giá rẻ, dễ bán cho dân buôn

Hé lộ 9 cách tìm nguồn hàng sỉ giá rẻ, dễ bán cho dân buôn

Khám phá 9 cách tìm nguồn hàng sỉ cho dân buôn sẽ giúp bạn nhập được hàng hoá chất lượng với giá phải chăng từ những địa chỉ đáng tin cậy.
Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu giá rẻ, độc quyền

Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu giá rẻ, độc quyền

Sở hữu một bộ nhận diện thương hiệu độc quyền là cách doanh nghiệp nổi bật trước đối thủ và gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng.
Xem tất cả