Các bậc phụ huynh đều muốn con mình được lớn lên khoẻ mạnh, thông minh nhưng nhiều người trong số họ lại không biết nên cho trẻ ăn như thế nào là chính xác.
Thực tế cho thấy, nhiều bậc cha mẹ thường ép con phải ăn nhiều bởi mong muốn bé cao lớn nhanh. Điều đó sẽ gây ra hậu quả xấu là hình thành nên thói quen ăn uống không lành mạnh. Theo khảo sát của giáo sư Raj Raghunathan, thuộc Đại học Texas, Austin trên 100 người từng bị ép buộc khi ăn lúc còn nhỏ ghi nhận hầu hết đều bị tổn thương về mặt tinh thần. Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ thời điểm bị ép ăn nhưng mỗi người đều nhớ rất rõ những cảm giác khó chịu, đau đớn. 55% số người tham gia cho biết họ đều có triệu chứng đau dạ dày, trong khi 20% từng nôn, ói khi bị ép ăn. 50% người từng bị ép ăn nhớ rằng họ đã khóc trong mọi bữa ăn. Ngược lại đối với những người chưa từng bị ép ăn thì không hề có ký ức tồi tệ này. Nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo về tác hại của việc ép trẻ ăn nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa để ý đến vấn đề này. Nhiều người vẫn tin vào suy nghĩ “phải ăn nhiều mới mau lớn và khoẻ mạnh”. Cứ như thế tạo thành một vòng luẩn quẩn của thói quen không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về sau như kén ăn, ăn không đúng bữa, béo phì…
Ngoài ra, định kiến xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thói quen ép trẻ ăn của các bậc phụ huynh. Nhất là tại các nước nghèo, người dân đều cho rằng một đứa trẻ khỏe mạnh phải mập mạp, càng nặng cân càng tốt. Do đó những bé bụ bẫm sẽ được cho là khỏe mạnh hơn trẻ gầy trơ xương. Nhưng trong thực tế rất nhiều đứa trẻ mảnh khảnh lại khỏe mạnh hơn các bé bụ bẫm, khi lớn lên chúng dễ trở nên lực lưỡng và cũng có khả năng cân bằng tốt hơn.
Ở nước ta, nhiều cha mẹ vẫn thường ép con ăn bằng cách cho chúng xem tivi, chơi đùa cùng bạn bè hoặc đọc truyện. Giáo sư Raj khuyên trong những trường hợp này, điều cha mẹ cần làm là để con tự quyết định khi nào cần ăn và ăn bao nhiêu là đủ. Nếu cha mẹ không quá cố gắng hầu hạ mà nghiêm khắc hơn, chỉ để bé được ăn đúng bữa ăn và thời gian hợp lý được quy định trước, như vậy bé sẽ hiểu rằng nếu không tự làm bản thân no đúng lúc, đúng bữa thì chúng sẽ không có gì để ăn. Khi đó các em sẽ biết tôn trọng món ăn trong các bữa sau.
Cha mẹ không nhồi nhét, ép buộc con trong mỗi bữa ăn sẽ có rất nhiều lợi ích. Trước hết là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được cải thiện đáng kể. Bé có cảm giác được tôn trọng khi thấy cha mẹ lắng nghe nhu cầu về lượng thức ăn mình muốn, hay khi nào bé cảm thấy đói và thấy no, các em sẽ đối xử tôn trọng lại với cha mẹ và vâng lời cha mẹ hơn. Phụ huynh không còn phải tốn thời gian đuổi theo con mà đút từng muỗng thức ăn hay nghĩ ra thật nhiều chiêu trò dụ bé. Giáo sư Raj khuyên cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen ăn uống khoa học từ khi còn nhỏ, không nên đợi đến khi trẻ lớn. Hãy để con mình tự quyết định và làm chủ các nhu cầu của bản thân, chúng sẽ trở nên chủ động và tự lập sau này. Nếu bé chưa biết tự xúc ăn, cha mẹ có thể tập cho con ăn tự chủ bằng cách xay nhuyễn thực phẩm rồi đổ vào túi nhai silicone và bình bóp thức ăn để trẻ tự mút mà không sợ bị nghẹn hóc. Như thế cha mẹ có thêm thời gian rảnh để tập trung làm những công việc quan trọng khác.