Cánh tay robot, sản phẩm do em Phạm Huy (học sinh trường THPT Quảng Trị) thiết kế có thể thực hiện được 31 cử chỉ riêng biệt nhằm hỗ trợ cho người bị khuyết tật.
Huy sinh ra ở Quảng Trị, mảnh đất chứa đầy những di chứng của chiến tranh. Từ lớp 8, em đã có ý tưởng sẽ chế tạo ra cánh tay giả để hỗ trợ cho những người bị khuyết tật ở nơi đây và trên khắp cả nước. Huy bộc bạch: “Việc làm cánh tay hỗ trợ cho người khuyết tật có nhiều trên thế giới, nhưng hỗ trợ cho người mất đi hoàn toàn cánh tay thì chưa có nhiều, nhất là ở Việt Nam”. Từ đó, em đưa ra ý tưởng thiết kế cánh tay robot điều khiển bằng bộ cảm ứng lắp đặt ở giày và cổ chân của người khuyết tật. 4 ngón chân điều khiển 4 nút ở đầu mũi giày tương ứng với cử động của 5 ngón tay. Cảm ứng chuyển động và cảm ứng nghiêng lắp ở cổ chân điều khiển cánh tay co duỗi, xoay các hướng. Kiến thức lập trình và thiết kế phần cứng, Huy tự học trên mạng. Có điều gì khó hiểu em lại nhờ các anh chị đi trước giải đáp. Linh kiện điện tử và dụng cụ em đặt mua từ Hà Nội hoặc Đà Nẵng.
Năm lớp 10, sản phẩm đầu tay của em ra đời và đạt giải khuyến khích trong cuộc thi của cộng đồng thiết kế trên mạng internet. Một năm sau, em cải tiến sản phẩm, trình bày với nhà trường và tham dự các kì thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Sản phẩm cuối cùng này của em có 31 cử chỉ độc lập, được in bằng máy in 3D với vật liệu nhựa PLA thay cho nhựa mica như trước đây. Cánh tay giả có thể cầm nắm được vật nhẹ, nâng tạ co duỗi nặng 2 kg đồng thời xách được vật nặng 11kg. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, Huy có nhờ một người khuyết tật dùng thử và đạt được những phản ứng tích cực.
Tháng 3 vừa qua, cánh tay robot của Huy góp mặt trong 5 dự án giành giải nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm học 2016-2017. Đồng thời, em cũng là đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại Mỹ vào tháng 5.
Biết tin được đi thi, Huy đặt rất nhiều tâm huyết vào sản phẩm nhưng em lại bị từ chối cấp visa để đi Mỹ dự cuộc thi Intel ISEF 2017 diễn ra từ 12 đến 22/5. Huy 2 lần ra Hà Nội để phỏng vấn cấp visa, trong đó lần đầu do không nắm rõ quy định công dân chưa đủ 18 tuổi cần có bố mẹ đi cùng nên em bị từ chối phỏng vấn. Lần thứ hai cách đây 4 ngày, ông Đính cùng Huy ra phỏng vấn cũng bị từ chối. Ông Phạm Xuân Đính, bố của Huy cho hay em và gia đình hụt hẫng vì không thể dự thi. “Đây không chỉ là vinh dự mà là cơ hội để em gặp gỡ, học hỏi bạn bè quốc tế về đam mê sáng tạo robot”, ông Đính nói.
Sắp xếp lại góc học tập, đặt cánh tay robot một bên, Huy đang tập trung học lại chương trình văn hoá. Với giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc, em được tuyển thẳng vào hầu hết đại học kỹ thuật, và sẽ lựa chọn ngành tự động hóa, hoặc công nghệ thông tin tại một đại học ở TP HCM. Huy chia sẻ: “Cánh tay này em sẽ tiếp tục hoàn thiện, có giá thành sản phẩm rất rẻ chỉ 2,8 triệu đồng, hy vọng được ứng dụng trong cuộc sống, giúp đỡ nhiều người khuyết tật”.