Các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vừa ra tuyên bố về cái chết của thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al - Bahgdadi, đồng thời quyết định thành lập một “đế chế” mới.
Trước đó vào ngày 16/6, Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố về việc các máy bay chiến đấu của nước này đã tiêu diệt một số chỉ huy cấp cao của phiến quân IS trong cuộc không kích nhằm vào cuộc họp của tổ chức này ở ngoại ô phía nam thành phố Raqqa ngày 28/5. Mặc dù liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu tuyên bố không xác nhận được tin tức này nhưng Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/6 đã nhận định đây là thông tin có độ tin cậy cao.
Đây được cho là tin vui đối với liên quân chống IS. Cái chết của Baghdadi sẽ gây trở ngại rất lớn đến khả năng tuyển một hêm thành viên của tổ chức Hồi giáo cực đoan này. Hình ảnh của thủ lĩnh tối cao đã trở thành một biểu tượng cho các chiến binh mơ tưởng về “một quốc gia Hồi giáo”. Đặc biệt là từ năm 2014 đến 2016, khi việc xuất hiện của y đã thu hút được hàng loạt các chiến binh nước ngoài. Không chỉ vậy, cái chết của Baghdadi cũng sẽ gây ra những khó khăn về kinh tế và tài chính cho nhóm phiến quân. Khi mà “thông thường tiền tài trợ được sắp xếp cho một thủ lĩnh nhất định”.
Tuy nhiên, phóng viên Colin Clarke của tạp chí Foreign Policy lại tỏ ra lo ngại. Theo Clarke, "Trong khi hình ảnh của Baghdadi có ý nghĩa lớn với việc tuyển mộ chiến binh nước ngoài, mục tiêu quan trọng hơn nhiều của IS là tiếp tục chia nhỏ tổ chức, bao gồm việc thành lập các chi nhánh ở Libya, Ai Cập, Nigeria, và Afghanistan". Ngoài ra, Clarke còn đưa tin thêm "Đừng mong đợi cái chết của một người đàn ông có thể biến đổi số phận của toàn bộ khu vực. Mặc dù bị tổn thất nặng nề trong tầng lớp cầm đầu, IS vẫn còn nhiều kẻ máu mặt ở ghế dự bị".
Trong khi đó, nhà phân tích tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông Michael Knights lại lo lắng theo một hướng khác. Ông cảnh báo về việc thủ lĩnh mới thay thế Baghdadi có thể sẽ là một kẻ nguy hiểm hơn rất nhiều. Knights chia sẻ "Đó chính là cách Baghdadi từng 'lên ngôi', y giỏi hơn cả hai tên thủ lĩnh tiền nhiệm mà chúng ta đã tiêu diệt năm 2010". Ông cũng chỉ ra việc các thủ lĩnh chính của IS hiện đã phân tán ra khắp toàn cầu và chúng đang thành công trong việc thành lập các chi nhánh ở Tây Phi hay Đông Nam Á.
Fred Hof, người từng phụ trách các vấn đề về Syria dưới thời cựu tổng thống Barack Obama cũng cho rằng, việc tiêu diệt Baghdadi sẽ khó có thể coi là một thiệt hại nặng nề của nhóm phiến quân. Vì cái chết của thủ lĩnh tối cao sẽ không làm giảm được mối đe doạ từ IS khi mà hệ tư tưởng và các hoạt động của tổ chức này vẫn còn tồn tại.