Thạc sĩ Nguyễn Xuân Điệp, Bộ môn Rau và gia vị thuộc Viện Nghiên cứu rau quả gợi ý một số loại rau củ có nhiều nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và các loại ít nguy cơ hơn.
Mục lục bài viết
1. Rau củ nhiều nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật
Họ đậu đỗ (đậu đũa, đậu côve): Họ đậu đỗ là loại có nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật cao trong nhóm rau củ. Bởi từ lúc ra quả cho tới lúc thu hoạch rất ngắn, từ 5 đến 7 ngày, quả phát triển nhanh nên phải thu hoạch liên tục, thậm chí ngày nào cũng phải thu hoạch. Bà con nông dân không thể để lâu hơn vì quả sẽ to, già, mẫu mã xấu, bán khó được giá. Trong khi đó, sau phun thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly ít nhất phải từ 3 đến 7 ngày (tuỳ vào loại thuốc nhưng có rất ít loại thuốc yêu cầu cách ly 1-2 ngày). Do vậy nếu phun các loại thuốc có thời gian cách ly dài, đến lúc thu hoạch dư lượng thuốc trong đậu vẫn còn lại rất nhiều. Thời gian mua tốt nhất với đậu cô ve là từ tháng 11 - tháng 12 còn đậu đũa từ tháng 3 - tháng 9. Trong đó, từ tháng 4, tháng 5, đậu đũa phát triển mạnh nhưng lại rất nhiều sâu và giai đoạn tháng 8, tháng 9 ít sâu bệnh hơn.
Dưa chuột: Dưa chuột là giống cây ngắn ngày, thời gian từ lúc ra quả tới lúc thu hoạch ngắn. Khi phun thuốc chưa đến ngày cách ly đã hái sẽ khiến dư lượng thuốc trong dưa cao, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Dưa chuột có 2 vụ chính trong năm: Vụ xuân từ tháng 2 - tháng 5 (giai đoạn nhiều sâu bệnh) và vụ đông từ tháng 9 - tháng 12 (giai đoạn ít sâu bệnh hơn).
Cà pháo: Cà pháo cũng có nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật lớn vì từ lúc ra quả cho tới lúc thu hoạch rất ngắn, 5-7 ngày, thậm chí ngày nào cũng phải thu hoạch. Nếu người sản xuất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có thời gian cách ly dài nhưng không tuân thủ đúng mà thu hoạch sớm, dư lượng thuốc còn lại trong đó là rất lớn. Chia làm 2 giai đoạn: Từ tháng 4 - tháng 6 là giai đoạn nhiều sâu bệnh và từ tháng 7 - tháng 8 ít sâu bệnh hơn.
Rau cải (cải thìa, cải ngọt,…): Cải là loại rau thường bị nhiều sâu, đặc biệt những thời điểm trái vụ, nắng nóng, khả năng nhiễm sâu nhiều (nhất là thời điểm từ tháng 4 - tháng 6 như hiện nay), vì thế người trồng phun thuốc thường xuyên. Ngoài ra, đa số các loại cải đều có phần chồi chụm lại, ở giữa có những khe hở nên thuốc sẽ tụ lại trong đó nhiều, thời gian lâu. Rau cải phát triển đúng vụ mùa đông từ tháng 9 - tháng 2.
Súp lơ: Phát triển đúng vụ là mùa đông. Không nên ăn súp lơ trái vụ như mùa hè, mùa thu, vì khả năng bị phun thuốc bảo vệ thực vật rất lớn. Súp lơ có nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật cao do mỗi nụ nhô lên là một hoa, mỗi hoa có nhiều khe, thuốc phun vào đó sẽ ở lại lâu, bị nhiễm nhiều nếu không rửa thật kỹ.
2. Rau củ ít nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật
Cà rốt, củ cải đường: Đây là loại củ rất ít sâu bệnh, vì thế ít nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật ít hơn các loại khác.
Bí xanh, bầu, mướp: Bầu, mướp đúng vụ là mùa hè, phát triển nhanh, ít sâu bệnh.
Su hào: Su hào đúng vụ là mùa đông. Đây là loại củ ít sâu bệnh, do đó người trồng ít dùng các thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên cũng không nên ăn su hào trái vụ vào mùa hè, mùa xuân...
Măng tây: Đây là loại rau ít sâu bệnh, phát triển tốt khi đúng mùa (Tháng 2-3; Tháng 4-6), do đó người trồng ít dùng các thuốc bảo vệ thực vật.
Bắp cải: Đúng vụ mùa đông phát triển tốt, ít sâu bệnh, khá an toàn. Nhưng trái vụ vào tháng 4 - tháng 5, tháng 7 - tháng 8, nếu có bắp cải là rất nguy hiểm, nguy cơ người trồng phun thuốc là rất lớn. Người tiêu dùng không nên ăn bắp cải vào những khoảng thời gian trên.
Cà chua: Đây là loại quả ít sâu bệnh, thời điểm phát triển nhanh và an toàn từ tháng 10 đến tháng 1. Nếu trời mát, nhiệt độ dưới 30 độ, cà chua sẽ tự đậu quả. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ trên 30 độ, cà chua không tự đậu được, người trồng thường phun thuốc đậu quả. Do đó, ở miền Bắc từ tháng 6 đến tháng 9 là giai đoạn nắng nóng, cà chua rất khó đậu quả nên khả năng nhiều người dùng sử dụng thuốc đậu quả là rất lớn. Người tiêu dùng nên cân nhắc việc ăn nhiều cà chua vào thời điểm này.