Từ việc phải vật lộn với miếng ăn chỉ dựa vào cánh đồng lúa thì nay, nhiều gia đình sống tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đổi đời nhờ việc nuôi tôm khi nước mặn tràn vào.
Vào những năm 90, nước biển tràn vào những cánh đồng cùng với nhu cầu về tôm tại thị trường Mỹ và Châu Âu tăng cao nên đồng bằng sông Cửu Long từ một vùng đất nổi tiếng là vựa lúa chính của Việt Nam giờ trở thành nơi nuôi tôm với giá trị hàng tỉ đồng.
Nhờ việc nuôi tôm, cuộc sống của nhiều hộ gia đình tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn toàn thay đổi. Ông Tăng Văn Tươi, một trong những người thành công với nghề nuôi tôm cho biết mình từng phải nhiều năm vật lộn với cuộc sống khi chỉ biết dựa vào việc trồng lúa hay chăn nuôi vịt và phải ở trong căn nhà lợp bằng lá dừa. Đến năm 2000 nhờ nắm bắt cơ hội nước mặn xâm nhập vào cánh đồng trồng lúa, ông bắt đầu nuôi tôm. Giờ đây căn nhà ông Tươi sống đã được xây dựng khang trang, trong nhà có vài chiếc xe máy và những đồ dùng công nghệ hiện đại như tivi, smart phone. Mỗi năm gia đình ông Tươi kiếm được hơn một tỉ đồng nhờ vào việc nuôi tôm.
Tuy nhiên, các nhà môi trường học cũng cảnh báo lợi nhuận từ việc nuôi tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể khó kéo dài vì môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm nặng nề dẫn tới phát sinh nhiều dịch bệnh đe dọa đến các vụ thu hoạch tôm tại đây. Theo đó các rừng đước bị chặt để làm nơi nuôi tôm ngày càng phổ biến dẫn đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long dễ chịu ảnh hưởng từ bão lũ và nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.
Để giải quyết những rủi ro dài hạn, chính phủ đã ngăn chặn việc cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long biến thành đầm tôm dù nước biển ngày càng lấn sâu rất thuận lợi cho việc chăn nuôi tôm đồng thời chi ra hàng triệu USD để khóa kín vùng nước sạch phục vụ trồng lúa. Ngoài ra, ban lãnh đạo các cấp, ngành cũng đang khuyến khích người dân thực hiện nửa năm trồng lúa và nửa năm nuôi tôm.