Đất đai là một loại tài sản đặc biệt và vô cùng có giá trị. Vậy nên, hiện nay có rất nhiều trường hợp tranh chấp đất đai xảy ra ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau. Hãy cùng VnNews360 tìm hiểu xem nguyên nhân phát sinh tranh chấp đất đai phổ biến ở nước ta hiện nay là gì?
Mục lục bài viết
Tranh chấp đất đai là gì?
Có thể hiểu, tranh chấp đất đai là sự tranh chấp về quyền sử dụng đất và những tài sản gắn liền với đất đó, tranh chấp về địa giới hành chính của đất, mục đích sử dụng và tất cả những quyền, nghĩa vụ hợp pháp với mảnh đất. Tranh chấp này có thể xảy ra giữa hai hoặc nhiều bên. Chủ thể của tranh chấp đất đai có thể là cá nhân, tổ chức, cộng đồng hay cơ quan Nhà nước.
Những nguyên nhân phát sinh tranh chấp đất đai phổ biến
Để có thể tìm ra hướng giải quyết tranh chấp này một cách thỏa đáng thì các cơ quan có thẩm quyền cũng như đương sự phải hiểu rõ về nguyên nhân xảy ra tranh chấp là gì? Dưới đây là một số nguyên nhân phát sinh tranh chấp đất đai phổ biến ở nước ta hiện nay:
1. Nguyên nhân chủ quan
- Do mâu thuẫn lợi ích cá nhân: Quá trình phân chia di sản thừa kế, ly hôn, cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất,…rất dễ xảy ra mâu thuẫn liên quan đến việc tranh chấp đất đai.
- Người dân thiếu kiến thức: Nhiều địa phương, người dân không hiểu biết và dựa vào luật pháp để giải quyết các tình huống phát sinh mà chỉ dựa vào phong tục, luật lệ cũ,…dẫn đến xảy ra nhiều tình huống tranh chấp khó giải quyết.
2. Nguyên nhân khách quan
- Cơ chế quản lý đất đai còn thiếu sót: Nhà nước phân cấp quản lý cho quá nhiều ban ngành nên công tác quản lý đất còn thiếu chặt chẽ. Nhiều địa phương còn chưa có hồ sơ địa chính hoàn chỉnh, mối quan hệ đất đai còn nhiều phức tạp.
- Cán bộ thực hiện công vụ đất đai chưa tốt: Một số cán bộ lợi dụng chức quyền để trục lợi hoặc trình độ quản lý còn non kém, dẫn đến nhiều mâu thuẫn cho người dân.
- Công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường chưa thỏa đáng: Có không ít trường hợp cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp thu hồi đất đang thuộc quyền sử dụng của người dân nhưng đưa ra giá bồi thường hoặc giá tái định cư không hợp lý, làm xảy ra mâu thuẫn giữa người dân và các tổ chức.
- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa tốt: Nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện tốt công tác xử lý khiếu nại đất đai cửa người dân; còn lơ là, không hướng dẫn dân thực hiện đúng trình tự nộp đơn khiếu nại tố cáo; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra khiếu kiện. Có những trường hợp đưa ra hướng giải quyết không thỏa đáng hoặc thiếu khả thi, dẫn đến nhiều mâu thuẫn phức tạp hơn xảy ra.
Trên đây là những nguyên nhân phát sinh tranh chấp đất đai mà đội ngũ biên tập viên VnNews360 muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng bài viết đã giúp các bạn hiểu hơn về loại tranh chấp xảy ra rất phổ biến này.