Sau khi Mỹ - nền kinh tế lớn nhất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tuyên bố rút lui hồi đầu năm thì Nhật Bản đã trở thành quốc gia cầm chịch với đóng góp nhiều nhất.
Trong cuộc phỏng vấn hôm qua trên CNBC, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy TPP giữa các thành viên. "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về các quy tắc thương mại tự do, công bằng và hy vọng tận dụng được điều này. Nhưng không may là Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP. Vì các nước đã đi đến bước này, Nhật Bản giờ phải nhận vai trò dẫn dắt và thúc đẩy các cuộc nói chuyện. Chúng tôi muốn tận dụng được kết quả của nhiều năm nỗ lực", ông cho biết. Nhật Bản hiện là nước đóng góp gần nửa GDP trong hiệp định. Cùng với Australia và New Zealand là 3 nước đi đầu trong việc thúc đẩy TPP 11 thành viên. Nhật Bản cũng đang nỗ lực đưa các nước còn lại vào bàn đàm phán nhanh nhất có thể. Tokyo đặt mục tiêu hoàn thành hiệp định mới tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11 năm nay.
Còn về việc Mỹ rời khỏi TPP, ông Abe cũng khẳng định vẫn để mở cánh cửa cho Mỹ quay lại: "Chúng tôi cần cân nhắc điều gì là tốt nhất và 11 nước phải đoàn kết. Vì Mỹ hiểu rõ tầm quan trọng của các quy tắc tự do và công bằng trong thương mại, chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ quay lại TPP". Trong khi đó, Canada và Mexico vẫn còn khá im ắng. Họ muốn quan sát các động thái của Mỹ trong việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, hai nước này được kỳ vọng chấp nhận TPP 11 thành viên. Chile - quốc gia chưa có các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước châu Á - cũng có thể nối gót. Các nước còn lại trong TPP vẫn chưa thống nhất về việc liệu có nên tiếp tục hiệp định mà không có Mỹ hay không. Có thể cuộc đối thoại sắp tới đây diễn ra tại Hà Nội sẽ trả lời cho câu hỏi này.