Vừa qua Bác sĩ Lê Thị Phương - Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng Đông y Việt Nam đã có chia sẻ về một số bệnh xương khớp thường gặp.
Viêm xương khớp: Là tình trạng khi các khớp trở nên đau và cứng, thường gặp ở đầu gối, háng và xương sống. Tình trạng viêm xảy ra chính là cơ chế tự vệ của cơ thể trước sự xâm nhập của các yếu tố bên ngoài như chấn thương hoặc từ bên trong như bị di truyền, nhiễm trùng, chuyển hóa của bệnh gout. Khi mắc phải các chứng viêm khớp này, người bệnh sẽ nhận thấy những biểu hiện như: Sưng nóng, đỏ, đau, cứng khớp. Có rất nhiều dạng viêm khớp khác nhau, tuy nhiên một số dạng thường thấy là: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, thấp khớp cấp, bệnh gout, viêm khớp nhiễm trùng. Viêm khớp lâu ngày có thể dẫn đến đau nhức, mất khả năng vận động hoặc thậm chí bị tàn phế.
Thoái hóa khớp, cột sống: Là kết quả của việc thoái hóa do nhiều yếu tố tác động hình thành trong một quá trình dài gây ra. Đĩa đệm chèn giữa các xương bị giòn và nứt nẻ do sự thoái hóa kéo dài và không kịp chữa trị, hình thành khe hở cho nhân nhầy bên trong tràn ra ngoài, gây thoát vị đĩa đệm. Đồng thời khi đó, các dây chằng giảm dần độ đàn hồi, bị giòn, cứng, phình to, chất vôi lắng đọng bên trong gây chèn ép các rễ thần kinh sinh ra các cơn đau kéo dài cho người bệnh làm mất khả năng đi lại và sinh hoạt hằng ngày. Thoái hóa hệ thống xương cột sống thường xảy ra tại hai vị trí là cột sống cổ và cột sống lưng, chính vì vậy cần có các bài tập thích hợp để tăng sự dẻo dai cho cột sống.
Thoái hóa đầu gối: Là nơi bị cơ thể dồn toàn bộ trọng lượng xuống nên khớp gối cũng là nơi thường gặp phải các thương tổn nhiều nhất cùng với việc phải đi lại, hoạt động nhiều và thường xuyên sẽ gây tổn thương sụn khớp. Khi đó bề mặt của khớp bị mất dần khiến cho chức năng của khớp tiêu giảm dẫn đến khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày và gây đau nhức, nhất là trong thời tiết lạnh. Các khớp chịu ảnh hưởng nhiều nhất thường nằm ở những vị trí chịu đựng tải trọng của cơ thể như khớp háng, khớp gối, cổ và bàn tay. Trường hợp nặng nhất đối với thoái hóa khớp đó là khi phần sụn bị vỡ ra và mối liên kết này bị tiêu biến làm tăng sự cọ xát giữa các xương gây dãn dây chằng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cử động và di chuyển, thậm chí là tàn tật.
Điều trị bệnh lý về cơ xương khớp là một quá trình lâu dài, vì vậy nếu không điều trị đúng cách, đặc biệt là đối với các bệnh nhân có xu hướng lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau liên tục một cách thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hội chứng phù mặt, cổ, vai do thuốc, hội chứng dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí là tử vong. Do đó việc điều trị phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của bác sĩ. Ngoài việc điều trị theo kê đơn của bác sĩ, người bệnh xương khớp cũng nên thực hiện các bài tập bổ trợ nhẹ nhàng để các khớp xương được hoạt động, tăng sự dẻo dai.
Về chế độ ăn uống, người bệnh xương khớp cũng nên ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, Vitamin C, Omega 3 như rau quả, trái cây, trứng, hải sản, cá ngừ, cá thu.. để thúc đẩy sự hình thành và nuôi dưỡng mô sụn tại các khớp. Đồng thời hạn chế ăn mặn, đồ ăn từ bột mì, sữa và các sản phẩm từ sữa, cà phê..