Các nhà khoa học ở Australia vừa công bố mẫu hoá thạch chứa dấu vết sự sống lâu đời nhất từng được tìm thấy trên Trái Đất. Điều này rất có ý nghĩa về lịch sử.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 9/5 cho thấy các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (UNSW) đã khám phá ra bằng chứng về sự sống sớm nhất trên Trái đất trong những tảng đá 3,48 tỷ năm tuổi được hình thành từ lớp trầm tích của suối nước nóng cổ ở Pilbara, phía tây Australia. Mẫu hoá thạch được xác định là các cấu trúc đá stromatolite xếp thành lớp do vi khuẩn tạo nên. Phát hiện này đã phá vỡ kỷ lục trước đây về dấu hiệu sự sống lâu đời nhất thế giới được lưu giữ trong các trầm tích 2,7-2,9 tỷ năm tuổi ở châu Phi.
"Phát hiện thú vị của chúng tôi đã kéo dài kỷ lục xuất hiện sự sống trong các dòng suối nước nóng lên tới hơn 3 tỷ năm. Sự sống hình thành trên đất liền sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây khoảng 580 triệu năm", Tara Djokic, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp ích nhiều cho việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa, bởi vì hành tinh đỏ có những dòng suối nước nóng cổ đại có độ tuổi tương tự như ở Pilbara", Djokic nói thêm.
Kết quả nghiên cứu đã cũng cố lý thuyết tiến hoá của Charles Darwin khi cho thấy, sự sống trên Trái Đất có thể bắt nguồn từ một số nơi chứa nước ấm áp trên đất liền, chứ không phải bắt nguồn từ đại dương như nhiều giả thuyết trước đây.