Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc từ lâu đã nổi tiếng vì vẻ đẹp nơi đây.
Bán đảo có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km, độ cao trung bình 350 m, nơi cao nhất là đỉnh Ốc gần 700 m. Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà như bình phong bao bọc, che chắn cho thành phố Đà Nẵng. Xa xưa, Sơn Trà là đảo nổi với 3 ngọn núi. Dòng nước biển chảy ven bờ theo thời gian đã mang phù sa bồi đắp 3 ngọn núi này thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo, hình thành bán đảo.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Sinh thái học miền Nam, đánh giá: “Bán đảo Sơn Trà phải được nhìn nhận là hòn ngọc, báu vật thiên nhiên ban tặng, cần bảo vệ không chỉ hiện tại mà cho con cháu mai sau". Bán đảo là hệ sinh thái khép kín với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống dưới. Ở trên là rừng mưa ẩm nhiệt đới, lưng chừng là rừng nửa khô hạn rồi đến rừng còi và đới thực vật ven biển. Phía dưới là thảm cỏ và san hô. Bên cạnh đó, cả vùng Đà Nẵng kéo dài đến Hội An (Quảng Nam) chỉ có bán đảo Sơn Trà được coi là nơi đa dạng sinh học. Đây là túi chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố và hệ nước ngầm toàn bộ Đà Nẵng, Hội An nên có giá trị môi trường rất cao, là lá phổi xanh. "Nếu vùng này không được bảo vệ thì không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn tác động đến hệ san hô, hải sản ven bờ, chất lượng cát vùng biển Đà Nẵng", tiến sĩ Long nói.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, người có nhiều tâm huyết bảo vệ Sơn Trà, cho biết nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã khẳng định mỗi ngày rừng ở đây tái tạo lượng oxy đủ cung cấp cho hơn 4 triệu người. Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, hệ nước ngầm, Sơn Trà còn đóng vai trò quan trọng trong quốc phòng. Từ bán đảo Sơn Trà có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ quân cảng Vùng 3 Hải quân - nơi neo đậu tàu chiến, tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển. Trên đỉnh Sơn Trà là hệ thống radar của quân đội và ngành hàng không với khả năng bao quát vùng trời và biển Đông.
Hiện phía Tây bán đảo là cảng hàng hóa kết hợp du lịch Tiên Sa. Đây là cảng nước sâu quan trọng nhất miền Trung, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây xuất phát từ Myanmar, qua Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và kết thúc tại Đà Nẵng.
Được che phủ bởi thảm thực vật thuộc kiểu rừng kín thường xanh vào mùa mưa nhiệt đới, các nhà nghiên cứu thống kê ở Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật bậc cao, trong đó 57 loài cho củ, quả làm thức ăn cho người và động vật. Bán đảo cũng là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ như mèo rừng, chồn bạc má... Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương - voọc chà vá chân nâu - với số lượng 300-400 cá thể.
Dù còn nhiều lập luận về cơ sở khoa học diện tích rừng Sơn Trà, nhưng qua những lần quy hoạch, rừng Sơn Trà có chung mẫu số là diện tích dần bị thu hẹp. Trước tình hình đó, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi thư khuyến nghị đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ các quy hoạch đã được phê duyệt, nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.