Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất ở nước ta hiện nay. Mỗi năm, cứ đến mùa dịch là lại có hàng trăm ngàn người phải nhập viện và khoảng 50 bệnh nhân tử vong do các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết rất dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh cảm cúm thông thường khác nếu không nắm vững được nguyên nhân, triệu chứng và dấu hiệu của bệnh.
Mục lục bài viết
Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết
Trong bài viết trước, chúng ta đã biết được bản chất của bệnh sốt xuất huyết là một nhóm bệnh do những loài virus thuộc nhiều họ gây nên. Do đó, có thể nói nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết chính là do virus. Ở nước ta, bệnh sốt xuất huyết xuất phát chủ yếu từ một loại virus tên là Dengue nên bệnh còn có tên gọi khác là Sốt xuất huyết Dengue và thuật ngữ sốt xuất huyết ở Việt Nam nói chung cũng để chỉ căn bệnh này.
Virus Dengue là một loại virus thuộc họ Flavivirus. Loài virus này được chia thành 4 dạng (type) bao gồm Dengue type 1 (Den - 1), Dengue type 2 (Den - 2), Dengue type 3 (Den - 3), Dengue type 4 (Den - 4). Cả 4 dạng đều gây ra bệnh Sốt xuất huyết Dengue. Khi một người bị nhiễm phải 1 trong 4 dạng virus trên, người đó sẽ có kháng thể với virus đó suốt đời (tức là không bao giờ bị Sốt xuất huyết Dengue 2 lần do nhiễm cùng một dạng virus). Tuy nhiên, do 4 dạng này có kháng thể khác nhau nên người bệnh vẫn có thể mắc phải Sốt xuất huyết Dengue nhiều lần trong đời (tối đa 4 lần). Bên cạnh đó, virus Dengue cũng thuộc vào nhóm arbovirus. Nhóm virus này có đặc điểm là không lây truyền trực tiếp mà chỉ có thể lây truyền thông qua môi trường trung gian là các loài động vật hút máu (như muỗi hoặc ve) và một số điều kiện đặc biệt rất hiếm gặp. Đối với bệnh Sốt xuất huyết Dengue, môi trường trung gian là chi muỗi Aedes gồm 2 loài muỗi chính: Aedes aegypti và Aedes albopcitus (có tên gọi phổ biến là muỗi vằn).
Chu trình lây nhiễm và mắc bệnh Sốt xuất huyết Dengue
Vì virus Dengue chỉ có thể lây truyền qua con đường trung gian là muỗi vằn. Do đó, luôn phải có một ổ chứa virus Dengue để lây bệnh. Ở đây, ổ chứa này chính là con người cùng một số loài linh trưởng (được phát hiện là có chứa virus Dengue). Khi muỗi vằn hút máu ở những cá thể nhiễm virus Dengue trong máu, virus này sẽ đi vào cơ thể muỗi, tự động nhân lên ở ống tiêu hoá đồng thời cư trú ở tuyến nước bọt của chúng. Quá trình này kéo dài từ 8 - 11 ngày. Sau đó, khi con muỗi đã bị lây nhiễm hút máu của một cá thể khoẻ mạnh, virus Dengue sẽ truyền sang cơ thể nạn nhân và khiến cho nạn nhân mắc bệnh. Chu trình này diễn ra liên tục và hợp thành một vòng tuần hoàn giữa người và virus ở một khu vực xác định (thêm một số loài linh trưởng nếu có).
Dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện của Sốt xuất huyết Dengue
Quá trình mắc bệnh Sốt xuất huyết Dengue gồm có 3 giai đoạn chính. Mỗi giai đoạn lại có các triệu chứng khác nhau đồng thời những triệu chứng này gần như hoàn toàn tương tự với biểu hiện ở các bệnh sốt thông thường. Do đó, phải luôn luôn theo dõi nạn nhân để nếu họ có biểu hiện khác lạ thì lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Tìm hiểu thêm: Bệnh Sốt xuất huyết Dengue là gì và tác hại của nó ra sao?
Ở giai đoạn bắt đầu, bệnh Sốt xuất huyết Dengue thường có các biểu hiện như sốt cao, cơ bắp nhức mỏi, cả người cảm thấy yếu ớt. Đầu, sau hốc mắt, họng, cơ thắt lưng và cơ chân bị đau nhức. Một số triệu chứng hiếm gặp hơn là chảy nước mũi, buồn nôn, tiêu chảy. Ở trẻ em có thể xuất hiện tình trạng bị đau bụng không dứt cơn. Trong những ngày đầu tiên kể từ khi bệnh phát, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu biểu hiện giống với các căn bệnh sốt thông thường khác. Do đó, không thể xác định được người bệnh có mắc phải Sốt xuất huyết Dengue hay không nếu chỉ dựa vào tình trạng bên ngoài.
Ở giai đoạn hạ sốt, thân nhiệt của bệnh nhân đột ngột hạ rất nhanh, đi kèm với đó là một số triệu chứng biểu hiện của tình trạng xuất huyết như da nổi các nốt ban đỏ (xuất huyết dưới da), chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu hoặc rong kinh ở phụ nữ. Cần chú ý một số bệnh sốt thông thường cũng có tình trạng xuất huyết nhẹ do đó không dễ để phân biệt 2 loại bệnh này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị sốt cao rồi hạ sốt nhanh chóng đồng thời có các dấu hiệu xuất huyết thì khả năng lớn đó là bệnh Sốt xuất huyết Dengue.
Ngoài ra trong quá trình phát bệnh, bệnh nhân cũng có thể bị Hội chứng sốc Dengue. Đây là tình trạng bệnh chuyển biến nặng và thường gặp khi bệnh nhân bị mắc Sốt xuất huyết Dengue lần thứ 2 trở lên. Sốc Dengue thường xảy ra trong giai đoạn từ ngày thứ 3 - 7 kể từ khi mắc bệnh mà nguyên nhân chính là do huyết tương trong máu bị thoát ra ngoài gây cô đặc máu từ đó dẫn tới thiếu máu và sốc. Sốc Dengue có thể nhận biết thông qua các biểu hiện: ý thức rối loạn, nói năng mơ hồ, vô nghĩa hay không thể nói chuyện, mạch đập rất nhanh trong khi huyết áp tụt xuống cực thấp thậm chí không có huyết áp, mồ hôi chảy đầm đìa, chân tay lạnh ngắt,... Tình trạng này rất nguy hiểm nếu không được cứu chữa và điều trị kịp thời.
Trên đây là những nguyên nhân, dấu hiệu biểu hiện của bệnh Sốt xuất huyết Dengue mà VnNews360.Net muốn giới thiệu đến bạn đọc. Sau khi đọc xong bài viết này, hy vọng các bạn đã có thể nắm rõ được những triệu chứng, dấu hiệu giúp nhận biết bệnh Sốt xuất huyết Dengue để từ đó có biện pháp xử lý hiệu quả nếu chẳng may mắc phải.
Bạn nên tìm hiểu: Cách điều trị bệnh Sốt xuất huyết Dengue hiệu quả