Học hàm, học vị là những thuật ngữ dùng để chỉ trình độ, cấp bậc của một người nào đó. Trong tất cả các lĩnh vực, học hàm và học vị đều được gọi tên với các chức danh như: tiến sĩ; thạc sĩ, giáo sư, phó giáo sư;….Tuy nhiên, riêng với ngành y thì chúng lại có cách gọi khác, chẳng hạn: bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, giáo sư bác sĩ,…khiến nhiều người còn nhầm lẫn. Để hiểu rõ hơn về các học hàm và học vị trong ngành y các bạn hãy cùng tham khảo một số thông tin mà VnNews360 chia sẻ.
Mục lục bài viết
Các học vị trong ngành y
Học vị là văn bằng do một cơ sở giáo dục cấp cho người học sau khi họ đã hoàn thành chương trình đào tạo. Trong các lĩnh vực khác, học vị đều sẽ có chung cách gọi là: Cử nhân (đối với người tốt nghiệp đại học ngành tự nhiên); Kỹ sư (đối với người tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật); Thạc sĩ (đối với người tốt nghiệp cao học sau đại học);….Riêng với ngành y, sinh viên sau khi theo học các chuyên ngành liên quan, sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi là bác sĩ, y tá, dược sĩ,….Đối với bác sĩ vừa tốt nghiệp, phải tiếp tục làm việc trong bệnh viện 1,5 năm thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đó, nếu muốn nâng cao trình độ, bác sĩ có thể lựa chọn 3 hướng sau:
1. Theo học hệ thực hành lâm sàng
Là hệ đào tạo chuyên về thực hành khám, chữa bệnh. Có 3 cấp độ học vị thuộc hệ thực hành lâm sàng là:
- Bác sĩ chuyên khoa định hướng: Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ tiếp tục theo học chuyên ngành trong vòng 1 năm.
- Bác sĩ chuyên khoa I: Sau khi tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa định hướng, tiếp tục học thêm khoảng 2 năm.
- Bác sĩ chuyên khoa II: Sau khi tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I, hành nghề một thời gian rồi tiếp tục học thêm khoảng 2 năm, kết hợp nộp luận văn.
2. Theo học hệ đào tạo nghiên cứu
Là hệ đào tạo thiên về nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y học. Học vị hệ đào tạo nghiên cứu cũng tương tự như các ngành nghề khác.
- Thạc sĩ: Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, thi tiếp lên cao học, kết hợp nộp luận văn.
- Tiến sĩ: Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, đi làm và dự thi Nghiên cứu sinh, học thêm khoảng 3 năm và kết hợp nộp luận văn.
3. Theo học bác sĩ nội trú
Để có thể đăng ký dự thi bác sĩ nội trú, bác sĩ phải thỏa mãn các điều kiện: Tốt nghiệp bác sĩ chính quy; Có thành tích học tập đạt loại khá trở lên; Dưới 27 tuổi. Mỗi người chỉ được thi bác sĩ nội trú một lần trong đời. Chương trình học bác sĩ nội trú kéo dài khoảng 3 năm. Sau khi hoàn thành, người học sẽ được cấp đồng thời bằng bác sĩ chuyên khoa I, thạc sĩ và bác sĩ nội trú.
Nếu quy đổi các học vị của ngành y thì bác sĩ chuyên khoa I và bác sĩ nội trú tương đương với thạc sĩ. Còn bác sĩ chuyên khoa II tương đương với tiến sĩ.
Các học hàm trong ngành y
Học hàm là một chức danh do Nhà nước cấp cho những người tham gia hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và có thành tích nổi bật, đáp ứng đủ yêu cầu trong từng lĩnh vực. Có 2 danh hiệu học hàm là giáo sư và phó giáo sư. Một người được cấp học hàm cần phải:
- Có đủ số giờ dạy.
- Có đủ lượng nghiên cứu sinh hướng dẫn.
- Có đủ số bài báo đã được đăng.
-Có đủ lượng sách đã viết.
- Có học vị tiến sĩ.
Bên cạnh đó, ngành y còn có thêm 2 danh hiệu cao quý khác là thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú. Những người được phong tặng hai danh hiệu này phải đáp ứng được các tiêu chí như:
- Đối với danh hiệu thầy thuốc nhân dân: Là các y bác sĩ, dược sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực y học dân tộc; Có thâm niên công tác; Có phẩm chất đạo đức tốt; Trung thành với Nhà nước;….
- Đối với danh hiệu thầy thuốc ưu tú: Là các y bác sĩ, dược sĩ đang hoạt động ở cả lĩnh vực y học cổ truyền và y học hiện đại; Có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển y học Việt Nam; Có đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận; Có thâm niên công tác;….
Trên đây là các thông tin về học hàm học vị trong ngành y mà đội ngũ biên tập viên VnNews360 muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tên gọi cũng như ý nghĩa của các chức danh học hàm, học vị trong lĩnh vực y học.