Điện là nguồn năng lượng không thể thiếu đối với mỗi hộ gia đình, xí nghiệp, bệnh viện,... Tuy nhiên, những ca tử vong hay thương tật nặng nề do điện giật vẫn còn phổ biến. Do đó, các bạn nên nắm vững cách sơ cấp cứu người bị điện giật để xử lý khi gặp tình huống này.
Mục lục bài viết
Tai nạn điện giật là gì?
Điện giật có thể hiểu một cách đơn giản là những phản ứng sinh lý và tổn thương của cơ thể con người khi có dòng điện chạy qua. Thông thường, nếu dòng điện có cường độ rất nhỏ (dưới 1 mA), cơ thể sẽ không cảm thấy sự khác thường và không bị ảnh hưởng, Nếu dòng điện có cường độ 1 mA, bạn sẽ cảm thấy đau nhói. Từ 5 mA, các tổn thương như phân huỷ cơ hay suy thận cấp bắt đầu xuất hiện. Dòng điện có cường độ 1 A khi đi qua tim có thể gây loạn nhịp tim và gián đoạn lưu thông máu. Dòng điện từ 10 A trở lên sẽ gây ngừng tim.
Thông thường điện giật có thể chia ra 3 trường hợp:
Điện một pha giật: Là trường hợp phổ biến nhất. Khi người đứng trên đất hoặc trên bề mặt dẫn điện chạm vào nguồn điện, cơ thể người sẽ biến thành chất dẫn điện và dòng điện lúc này sẽ chạy qua thân thể rồi truyền xuống đất hoặc vật dẫn điện. Lúc này, nếu cường độ dòng điện đủ mạnh sẽ gây ra tình trạng điện giật. Thường trong trường hợp này dòng điện chỉ gây ra ảnh hưởng cục bộ ở nơi nó chạy qua. Không gây ảnh hưởng ra toàn thân.
Điện hai pha giật: Là trường hợp khi cơ thể chạm vào hai nguồn điện cùng lúc, dòng điện sẽ chạy qua cơ thể từ nguồn này sang nguồn kia và tạo thành một mạch kín. Trường hợp này hiếm hơn tuy nhiên cả cơ thể người sẽ bị ảnh hưởng do dòng điện chạy toàn thân.
Điện giật do chênh lệnh điện áp: Trường hợp này xảy ra khi có một sợi dây điện rơi trên mặt đất. Lúc này, cả khu vực xung quanh đó sẽ bị nhiễm điện, tạo thành các vòng tròn đồng tâm với sự chênh lệch điện áp giữa các vòng tròn. Nếu con người bước vào khu vực này mà hai chân cách nhau khoảng 0,8m sẽ tạo thành sự chênh lệch điện áp. Dòng điện có đặc tính chạy từ nơi có điện áp cao sang nơi có điện áp thấp sẽ truyền qua cơ thể người gây ra tình trạng điện giật.
Nguyên nhân dẫn đến điện giật
- Đường dây điện không được mắc an toàn, để hở dây hoặc dây quá thấp.
- Chạm vào đồ điện bị hỏng, rò điện hoặc không đủ tiêu chuẩn về điện.
- Không tuân thủ các quy trình an toàn trong khi làm việc, tiếp xúc với điện.
- Cứu người bị điện giật mà không tuân thủ các quy trình an toàn.
- Gặp sự cố ngoài ý muốn như: Thả diều mắc vào dây điện, dây điện bị đưt trong ngày mưa bão,...
Các triệu chứng biểu hiện của người bị điện giật
Ở mức độ nhẹ, người bị điện giật sẽ cảm thấy tê buốt hoặc mất cảm giác ở một số bộ phận, đặc biệt là bộ phận tiếp xúc với nguồn điện. Nếu dòng điện có cường độ mạnh hơn, có thể gây ra một số vết bỏng nhẹ hoặc nặng ở nơi tiếp xúc. Đôi khi, nạn nhân cũng cảm thấy khó thở, đau ngực, đau bụng,... Dòng điện có cường độ cao sẽ có thể hút nạn nhân lại gần hoặc đẩy bắn ra xa.
Cách sơ cấp cứu cho người bị điện giật
Rất nhiều trường hợp bị điện giật xảy ra do quá vội vàng sơ cứu cho nạn nhân mà không ngắt nguồn điện hay di chuyển nạn nhân ra xa khỏi nguồn điện. Ngoài ra, nguồn điện ở càng lâu trong cơ thể sẽ càng gây ra những hậu quả nặng nề. Do đó, cần phải luôn luôn ghi nhớ cắt đứt sự tiếp xúc giữa nạn nhân với nguồn điện trước khi sơ cấp cứu cho người bị điện giật.
Việc tiếp theo cần làm là gọi xe cứu thương. Tất cả những nạn nhân bị điện giật dù nhẹ hay nặng cũng đều cần sự chăm sóc của bác sĩ và các dụng cụ khám chữa bệnh chuyên dụng. Do đó, dù cho người bệnh đã tỉnh lại và không có vết thương bên ngoài vẫn cần phải đưa đi bệnh viện để kiểm tra toàn thân một cách chu đáo và cẩn thận.
Với nạn nhân còn tỉnh
Kiểm tra mức độ tổn thương ở các bộ phận quan trọng nhất như đầu, cổ, xương sống,... Sau đó kiểm tra các bộ phận còn lại rồi đưa nạn nhân đến bệnh viện để kiểm tra chuyên sâu.
Với nạn nhân đã bị ngất
Kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự chuyển động của lồng ngực, áp má vào mũi nạn nhân hoặc kiểm tra động mạch cổ. Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng tuần hoàn thì phải tiến hành hồi sinh tổng hợp, cụ thể là hô hấp nhân tạo kèm ép tim ngoài lồng ngực đến khi tự thở được hoặc xác định đã chết hẳn mới dừng lại.
Phương pháp hô hấp nhân tạo
Nới rộng quần áo, thắt lưng, đồ trang sức đồng thời đệm dưới cổ để nạn nhân hơi ngửa đầu ra sau, bảo đảm đường hô hấp được thông thoáng. Sau đó, dùng một tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm dưới xuống để miệng hở ra rồi ngậm chặt miệng và thổi hơi vào. Thực hiện 20 lần/phút, mỗi lần thổi 2 hơi với người lớn và trẻ em trên 8 tuổi. 20 - 30 lần /phút, mỗi lần 1 hơi với trẻ em dưới 8 tuổi.
Phương pháp xoa bóp tim ngoài lồng ngực
Ngồi cạnh nạn nhân, chồng hai bàn tay lên nhau rồi để trên lồng ngực, tương ứng với vị trí của tim. Từ từ ép xuống khoảng từ 1/3 - 1/2 bề dày lồng ngực rồi thả lỏng tay. Lặp lại 100 lần với người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, hơn 100 lần với trẻ em dưới 1 tuổi. Nếu sử dụng hồi sinh tổng hợp thì cứ ép tim 5 lần hô hấp nhân tạo 1 lần.
Cách phòng ngừa bị điện giật
- Sử dụng các ổ điện an toàn.
- Kiểm tra thường xuyên các hệ thống điện, đồ dùng điện trong nhà.
- Tuân thủ tuyệt đối các quy trình an toàn khi sửa hoặc làm việc với điện.
- Không để ổ điện, dây điện và các đồ dùng điện trong tầm tay của trẻ em.
- Không sử dụng điện để đánh cá, chống trộm mà không có báo hiệu hay cảnh báo rõ ràng.
Trên đây là những điều cần biết về cách sơ cấp cứu cho người bị điện giật mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này các bạn sẽ có thêm kiến thức và cách xử lý khi gặp phải trường hợp trên.