Rết là một trong những loài côn trùng rất phổ biến ở Việt Nam. Chúng sinh sống ở hầu hết mọi khu vực. Đặc biệt, đây là loài côn trùng có độc. Do đó, nếu chẳng may bị chúng cắn sẽ có thể dẫn tới trúng độc, đau buốt toàn thân và gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ nạn nhân.
Rết là tên tiếng Việt của một nhóm các động vật chân khớp thuộc lớp Chân môi trong phân ngành Nhiều chân. Ở Việt Nam, loài rết xuất hiện chủ yếu là Scolopendra subspinipes (cũng được gọi bằng cái tên rết Việt Nam hay rết khổng lồ Việt Nam). Loài này xuất hiện ở khắp Đông Nam Á và là một trong số những loài lớn nhất châu Á với chiều dài có thể lên đến 22cm. Rết là loại hoạt động mạnh và ăn tạp. Hiện nay, có 8 phân loài của rết Việt Nam đã được công nhận và tất cả chúng đều có độc.
Loài rết khi trưởng thành thường có kích thước từ 10 - 20 cm (đôi khi có thể dài hơn). Thân thường có màu đỏ, nâu đỏ hoặc vàng nghệ với chân màu vàng hoặc màu cam. Rết Việt nam có 21 đốt, mỗi đốt có một cặp chân. Ngoài ra, trên đầu nó còn có thêm một cặp chân nữa nằm dưới lớp màng phẳng và thêm một cặp râu. Cặp chân trên đầu rất sắc bén, nối với tuyến nọc độc và là công cụ chính để săn mồi hay tự vệ. Rết thở thông qua các lỗ tròn nằm ở hai bên thân. Do có thị lực kém, chúng thường săn mồi hay di chuyển dựa vào cảm ứng và thụ quan hoá học.
Mục lục bài viết
Rết cắn có nguy hiểm không?
Thông thường, rết sẽ tấn công ngay khi có vật va chạm với chúng. Khi tấn công, chúng sẽ dùng đôi chân trên đầu tiêm nọc độc vào cơ thể nạn nhân. Rết càng lớn thì lượng chất độc bơm vào càng nhiều. Do đó, sẽ có hai trường hợp với triệu chứng khác nhau xảy ra khi bị rết cắn:
Trường hợp 1: Bị rết nhỏ cắn hoặc vết cắn nhẹ, lúc này lượng nọc độc vào cơ thể không có hoặc rất ít, nạn nhân sẽ chỉ bị dị ứng da hoặc sưng tấy, hết sau 1 - 2 ngày.
Trường hợp 2: Rết lớn tấn công với lượng nọc độc tiêm vào đủ lớn, độc tính ngấm sâu vào cơ thể. Lúc này, nạn nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, ù tai, có thể nôn mửa và co giật. Mặc dù nọc độc của rết thường không gây tử vong nhưng cũng có ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ con người.
Các triệu chứng ngộ độc khi bị rết cắn
Khi bị rết cắn, tuỳ theo lượng độc tố chúng tiêm vào cơ thể mà sẽ xuất hiện các triệu chứng trúng độc từ nhẹ đến nặng. Cụ thể như sau:
1. Triệu chứng tại chỗ bị cắn:
- Xuất hiện 2 vết răng.
- Đau dữ dội, sưng đỏ, xuất hiện bọng nước và có thể gây hoại tử nông kéo dài vài tuần.
- Cơ ở khu vực xung quanh chỗ bị cắn có thể yếu đi.
- Ngứa ngáy ở chỗ bị cắn.
- Chỗ bị cắn sưng phù, nổi hạch.
- Có thể chảy máu trong thời gian rất ngắn.
2. Triệu chứng xuất hiện toàn thân:
- Cơ thể bị sốt, mệt mỏi, đau nhức toàn thân.
- Thở gấp, ho nhiều và đau họng.
- Xuất hiện các hạch bạch huyết ở nách, bẹn,... Các hạch sưng to và đau khi chạm vào.
- Buồn nôn, nôn ói, đau bụng và tiêu chảy kéo dài.
Thông thường, hầu hết các triệu chứng ở chỗ bị cắn sẽ giảm dần sau từ 1 - 2 ngày. Các triệu chứng toàn thân thường kéo dài 4 - 5 giờ sẽ hết dần.
Cách sơ cứu khi bị rết cắn
Với trường hợp 1: Rửa sạch chỗ bị cắn bằng xà phòng để tránh nhiễm trùng sau đó bôi dầu gió để vài ngày sẽ tự khỏi. Có thể kết hợp chườm đá lạnh để giảm sưng và đau buốt.
Với trường hợp 2: Trong trường hợp này, nọc rết đã xâm nhập vào cơ thể, do đó cách tốt nhất là nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời, tránh xoa bóp xung quanh khu vực bị cắn khiến nọc độc lan xa hơn.
Ngoài ra, khi bị rết cắn ta có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian như sau:
Nước dãi gà: Nước dãi gà là một trong những bài thuốc dân gian chữa rết cắn rất hiệu nghiệm. Trong nước dãi gà chứa một số hợp chất có thể vô hiệu hoá nọc độc của rết giúp chúng có thể tiêu hoá rết một cách an toàn. Do đó, có thể sử dụng nước dãi gà như sau: Khi bị rết cắn, dùng dây vải, dây cao su buộc chặt phía trên vết thương làm thành ga - rô để hạn chế nọc truyền vào tim. Sau đó bắt một con gà, dùng tay móc họng lấy nước dãi bôi vào vết cắn. Áp dụng khoảng 2,3 lần sẽ khiến cơn đau dịu bớt. Nếu không có gà thì có thể sử dụng nước dãi ốc cũng đem lại hiệu quả tương tự.
Nước dãi gà là bài thuốc hữu hiệu để chữa trị khi bị rết cắn.
Tỏi: Giã nát củ tỏi rồi đắp lên miệng vết thương sẽ giảm đau nhức.
Cây hoa mào gà: Giã nhuyễn hạt cây hoa mào gà lấy nước cốt uống còn bã đắp vào vết cắn.
Rau sam: Lấy một nắm rau sam rửa sạch, giã nát rồi đắp vào miệng vết thương.
Cây mướp đắng: Lấy hạt mướp đắng rửa sạch, giã nhuyễn rồi đắp vào vết thương hoặc cho thêm ít dấm rồi ngậm và nuốt nước từ từ.
Khoai môn: Lấy củ khoai môn tước bỏ vỏ, giã nhuyễn, trộn với cặn dầu dừa và vôi ăn trầu rồi đắp vào miệng vết thương sẽ khiến vết thương nhanh khỏi.
Lá ớt: Giã nhỏ lá ớt rồi đắp vào miệng vết thương ngày 1 - 2 lần.
Cách phòng chống rết bò vào nhà
Để hạn chế bị rết cắn, cách tốt nhất là phòng tránh rết bò vào nhà. Do đó, chúng ta không nên để những đồ vật cũ, ẩm như chổi, đồ gỗ cũ, vải ướt,...trong nhà tránh rết bò vào làm tổ. Tổng vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở, lấp hết các cống rãnh để tránh rết bò lên.
Một số bài thuốc với loài rết
Lương y Bùi Hồng Minh thuộc Hội đông y Ba Đình cho biết, trong đông y rết là loại côn trùng có vị cay, tính ôn, có độc, vào kinh can. Từ xa xưa, rết đã được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh. Có thể dùng rết theo cách ngâm rượu bôi ngoài da, tán bột hoặc ăn trực tiếp. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian dùng để trị bệnh có sử dụng rết:
Chữa bệnh trĩ ngoại: Dùng 5ml rượu trắng hoà với 0,5g bột rết và 0,2g bột long não làm thành dạng dịch nhão. Dùng hỗn hợp này bôi vào các múi trĩ.
Chữa trị bệnh động kinh, uốn ván, co giật hoặc đau dây thần kinh mặt: Dùng cùng một lượng bột rết, bột bò cạp, và bột chu sa trộn đều. Uống hỗn hợp này với nước ấm 3 lần một ngày, mỗi lần uống sau khi đã ăn xong một giờ.
Trị viêm cột sống: Dùng cùng một lượng bột rết, bột bò cạp trộn đều. Uống 3 lần một ngày, mỗi lần 2 - 3g hỗn hợp với nước ấm và sau khi ăn 1 giờ.
Chữa viêm tinh hoàn: Dùng cùng một lượng bột rết và bột nhục quế trộn đều. Uống 2 - 3 lần một ngày, mỗi lần 0,5 - 1g với nước ấm và sau khi ăn 1 giờ.
Chữa mụn nhọt, sưng đau: Dùng rượu ngâm rết châm lên chỗ mụn nhọt, làm nhiều lần trong ngày.
Chữa mụn nhọt đã vỡ, loét: Dùng cùng một lượng lá chè xanh đã sấy khô, tán mịn trộn đều với bột rết. Sau đó rắc hỗn hợp này lên vết loét. Lưu ý dùng nước cam thảo rửa sạch vết loét trước khi rắc.
Trên đây là những điều nên biết về cách sơ cứu khi bị rết cắn và một số bài thuốc với loài rết mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn sẽ biết cách xử lý khi gặp trường hợp bị rết cắn, đồng thời có thêm một số bài thuốc dân gian hay, đơn giản và hiệu quả để chữa trị những căn bệnh đã nêu ở trên từ loài rết.