Khi còn trong bụng mẹ, đứa trẻ được bảo vệ hết sức an toàn, mọi sự sống của bé đều phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Tuy nhiên, sau khi chào đời có nghĩa là con đã tách rời ra khỏi cơ thể mẹ. Lúc này, bé cần có sức đề kháng để bảo vệ cơ thể, chống lại các tác nhân có hại từ môi trường. Do đó, bố mẹ cần biết cách tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh để bảo vệ thiên thần bé bỏng của mình.
Mục lục bài viết
Sức đề kháng của trẻ quan trọng như thế nào?
Chúng ta biết rằng, sức đề kháng được xem là “lá chắn” giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh, vi khuẩn, virus từ môi trường bên ngoài. Khi cơ thể mắc bệnh , chẳng hạn như: cảm, ho, sổ mũi,…cho thấy sức đề kháng đang suy yếu. Sức đề kháng của một người được hình thành bởi 2 yếu tố: khi còn trong bụng mẹ và tự thân. Với trẻ sơ sinh, cơ thể chưa kịp thích nghi điều kiện và môi trường sống bên ngoài, chưa thể tự sản sinh sức đề kháng nên cơ thể bé còn rất yếu ớt, rất dễ bị bệnh. Đó là lý do trẻ sơ sinh thường mắc phải nhiều loại bệnh phổ biến như: cảm, sốt, ho gà, bạch hầu, uốn ván,…gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không kịp chữa trị. Chính vì vậy, bố mẹ cần quan tâm và biết cách tăng sức đề kháng cho con.
Cách tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi
Hầu hết, sức đề kháng của mẹ truyền cho con chỉ có thể tồn tại khoảng 6 tháng, sau đó sẽ tự biến mất. Để tăng sức đề kháng cho bé sơ sinh ở giai đoạn này, bố mẹ cần lưu ý đến nhiều vấn đề, từ chất lượng nguồn sữa, thức ăn, nước uống đến chế độ ngủ, vận động.
1. Tăng đề kháng cho bé dưới 6 tháng bằng sữa mẹ
Trong 6 tháng đầu đời (trước khi ăn dặm), sữa mẹ là nguồn thực phẩm duy nhất của con. Do đó, chất lượng sữa mẹ là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến sức đề kháng của bé. Mẹ nên ăn uống đầy đủ chất, đúng cử, giữ tâm trạng luôn vui vẻ, thoải mái để không làm ảnh hưởng đến nguồn sữa. Các chuyên gia y tế khuyên rằng bé nên được bú mẹ từ lúc mới sinh cho đến 24 tháng, tối thiểu nhất cũng phải là 3 - 6 tháng. Nếu không có đủ điều kiện, trẻ sơ sinh 3 tháng có thể kết hợp giữa sữa mẹ và sữa công thức.
2. Bổ sung dinh dưỡng bằng bữa ăn dặm cho bé
Khi được 6 - 7 tháng, sữa mẹ không còn đủ để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể bé ở giai đoạn này nữa. Do vậy, song song việc uống sữa mẹ, sữa bình thì phụ huynh cũng nên cho bé bắt đầu tập ăn dặm. Ăn dặm đúng cách, khoa học là giải pháp giúp tăng sức đề kháng cho bé 6 tháng trở lên vô cùng hữu hiệu. Bữa ăn dặm của bé được khuyến cáo như sau:
- Chỉ nên bắt đầu từ lúc bé được 6 tháng tuổi trở lên vì trước đó hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh, chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột.
- Tập cho bé ăn từ ngọt tới mặn, từ loãng tới đặc, ưu tiên những món có mùi vị giống sữa mẹ trước để trẻ không bị phản ứng với thức ăn lạ.
- Cho bé ăn đa dạng thực phẩm để cung cấp đầy đủ vitamin cần thiết.
- Thành phần bữa ăn cần cân đối đủ 04 nhóm: chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ.
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, không ép trẻ ăn quá nhiều hay dùng các chiêu trò như: xem điện thoại, tivi,….
3. Bổ sung nước cho bé
Nước có tác dụng thải độc tố, tăng cường trao đổi chất và hoạt động tuần hoàn của máu. Do đó, khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bố mẹ cũng nên tập cho bé uống nước. Ở mỗi giai đoạn, lượng nước trẻ cần nạp vào hàng hàng cũng sẽ khác nhau. Bạn cần tìm hiểu rõ cách cho trẻ uống nước hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ. Bên cạnh đó, cũng có thể cho bé uống nước trái cây để bổ sung vitamin khi được 7 tháng tuổi.
4. Cho bé tiếp xúc với môi trường xung quanh
Thực tế cho thấy, các bé được tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh luôn có đề kháng tốt hơn so với bé chỉ loanh quanh trong nhà. Tiếp xúc sớm với ánh nắng, gió, không khí bên ngoài là cách tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh rất hiệu quả bố mẹ nên áp dụng.
5. Cho trẻ ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động
Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ có vai trò quan trọng song hành với việc bú mẹ. Ngủ là lúc cơ thể của trẻ đang lớn lên và trí não cũng đang phát triển. Khi mới chào đời, bé sơ sinh có thể ngủ đến 18 giờ mỗi ngày vì còn chưa quen với ánh sáng tự nhiên cũng như điều kiện bên ngoài. Càng trưởng thành, thời gian ngủ của trẻ sẽ càng giảm dần. Giữ cho con có giấc ngủ ngon sẽ giúp cơ thể bé được nạp đầy đủ năng lượng, phát triển tốt hơn, từ đó cũng ảnh hưởng đến sức đề kháng. Song song đó, khi con thức bố mẹ cũng nên dành thời gian để chơi đùa với con, cho bé vận động nhẹ nhàng, phù hợp như: tập lật, tập ngồi, chơi đồ chơi,....
6. Tuân thủ đúng lịch tiêm chủng
Tiêm chủng là giải pháp phòng ngừa bệnh tật chủ động và mang lại hiệu quả gần như tuyệt đối. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần tiêm khoảng 20 mũi vắc-xin để phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm như: viêm gan B, uốn ván, viêm não Nhật Bản,….Trong đó, có những mũi vắc-xin chỉ tiêm 1 lần, cho kết quả dài lâu và cũng có những mũi phải tiêm nhắc lại. Bố mẹ cần chú ý đến lịch tiêm vắc-xin cho con để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất.
7. Một số lưu ý cho trẻ khi thời tiết giao mùa
Giao mùa là thời điểm cơ thể rất dễ bị bệnh, kể cả với người trưởng thành. Do vậy, bố mẹ cần chú ý chăm bé sơ sinh thật cẩn thận vào thời gian này. Khi thời tiết trở lạnh, hãy ủ ấm tay chân, cổ và phần ngực cho bé. Nếu trời chuyển nóng, nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng, cho nằm trong phòng có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp để tránh gây ảnh hưởng đến hô hấp.
Hi vọng với những thông tin VnNews360 chia sẻ trên đây, bố mẹ đã biết cách tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh như thế nào cho đúng, từ đó chú ý hơn để bảo vệ sức khỏe thiên thần bé bỏng của mình. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Tham khảo thêm: