Trong những năm gần đây, theo sự phát triển và hội nhập của kinh tế nước ta, những công ty tư nhân đang được thành lập ngày một nhiều. Trong đó, khá phổ biến là các công ty cổ phần, một loại mô hình doanh nghiệp rất phù hợp với những người muốn kinh doanh lớn nhưng ít vốn. Vậy, công ty cổ phần là gì, đặc điểm của nó ra sao? Hãy cùng tìm hiểu một cách tổng quát những vấn đề trên thông qua bài viết này.
Mục lục bài viết
Khái niệm, định nghĩa công ty cổ phần là gì?
Khái niệm chung về công ty cổ phần
Công ty cổ phần (CP) là một dạng tổ chức có tư cách pháp nhân thể hiện qua việc nó có tư cách pháp lý độc lập, được pháp luật thừa nhận và có quyền tham gia vào các hoạt động pháp lý về chính trị, kinh tế, xã hội,... Công ty CP được thành lập, tồn tại độc lập với những người sáng lập và chủ sở hữu, đồng thời chỉ chịu trách nhiệm về những khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn cam kết (trách nhiệm hữu hạn). Số vốn điều lệ của công ty được chia thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần và phát hành để huy động vốn đầu tư một cách rộng rãi từ các nhà đầu tư. Cá nhân hoặc tổ chức nắm quyền sở hữu cổ phần hợp pháp gọi là cổ đông. Cổ đông có quyền tự ứng cử hoặc bầu cử các vị trí trong công ty để tham gia quản lý, giám sát và điều hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cổ đông sẽ được hưởng lời hay chịu lỗ theo công ty tương ứng với số vốn đã góp.
Khái niệm trong pháp luật
Theo Luật Doanh Nghiệp số 68/2014/QH13 được ban hành vào ngày 26 tháng 11 năm 2014, công ty cổ phần là hình thức doanh nghiệp trong đó:
► Vốn điều lệ của công ty sẽ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
► Các cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức bất kỳ, sống ở trong nước hay ở nước ngoài với số lượng tối thiểu là 3 và số lượng tối đa không hạn chế;
► Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp, nếu công ty phá sản, cổ đông hoàn toàn không cần chịu trách nhiệm gì khác;
► Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ những trường hợp đã quy định trong điều lệ của công ty hay trong luật định.
Cổ phần hóa doanh nghiệp là gì?
Cổ phần hóa doanh nghiệp hay còn gọi là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là quá trình chuyển đổi bắt đầu từ năm 1990 và hoàn thành cơ bản vào năm 2010. Quá trình này được tiến hành để biến đổi các doanh nghiệp Nhà nước thành những công ty cổ phần hóa.
Tại sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước?
Ở giai đoạn trước khi quá trình cổ phần hóa được tiến hành, việc các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ xảy ra vô cùng phổ biến. Điều này dẫn tới Nhà nước phải chịu lỗ thay với số tiền đền bù thua lỗ là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ nước ta đã quyết định sẽ không bán đứt các doanh nghiệp Nhà nước cho tư nhân. Vì thế, giải pháp cổ phần hóa các cơ quan doanh nghiệp được đưa ra nhằm hạn chế, xử lý tình trạng trên. Tài sản của các doanh nghiệp sẽ được chia thành nhiều cổ phần và bán cho các cán bộ, công nhân viên chức của doanh nghiệp đó đồng thời phần còn sót lại sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước. Như vậy, Nhà nước có thể sẽ nắm từ 0% đến 100% số cổ phần của một doanh nghiệp bất kỳ. Điều này vừa giúp Nhà nước giảm bớt được chi phí đền bù lỗ, vừa huy động được nguồn vốn khổng lồ từ người dân đồng thời tăng ý thức lao động bởi lúc này, các nhân viên trong công ty sẽ làm việc vì lợi ích của chính họ.
Đặc điểm, tính chất của mô hình công ty CP
Là một trong 5 loại hình doanh nghiệp theo quy định, công ty cổ phần sẽ mang đầy đủ những đặc điểm chung của một doanh nghiệp thông thường. Ngoài ra, công ty cổ phần còn mang một số đặc điểm, tính chất giúp phân biệt rõ với những loại hình công ty khác. Cụ thể:
Vốn điều lệ của công ty
► Vốn điều lệ của công ty phải bằng với tổng giá trị số vốn của những người sáng lập góp vào.
► Số vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần (do đó công ty cổ phần là loại hình công ty đối vốn). Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được biểu thị bằng cổ phiếu. Mỗi cổ phiếu sẽ có thể đại diện cho một hoặc nhiều cổ phần. Đây là một trong những đặc điểm, tính chất đặc trưng của mô hình công ty cổ phần.
► Những người muốn góp vốn công ty sẽ tiến hành góp vốn bằng cách mua các cổ phần tùy theo mức giá và số lượng mà công ty cổ phần đưa ra.
Thành viên công ty
► Những người đã sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty sẽ được gọi là cổ đông. Mỗi công ty cổ phần sẽ cần phải có ít nhất 3 cổ đông, số lượng cổ đông tối đa không giới hạn.
► Cổ đông có thể là cá nhân hay tổ chức, ở trong hay ngoài nước đồng thời phải thỏa mãn một số điều kiện đã được quy định trong Luật Doanh Nghiệp 2014.
Tư cách pháp nhân của công ty
► Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân hợp pháp kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan quản lý cung cấp.
► Tư cách pháp nhân của công ty CP được xác định thông qua những đặc điểm sau: có hình thái xác định và được công nhận một cách hợp pháp; có cơ cấu, tổ chức một cách hợp pháp; có tài sản độc lập; có quyền tham gia vào các mối quan hệ pháp luật độc lập nhân danh chính bản thân công ty.
Chế độ chịu trách nhiệm
► Chế độ chịu trách nhiệm của công ty: Hình thức của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn, tức là công ty sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về số nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn điều lệ hay toàn bộ số tài sản của công ty.
► Chế độ chịu trách nhiệm của các cổ đông: Các cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty đúng bằng số vốn đã góp vào.
Hình thức huy động vốn
Khác với hầu hết các tổ chức kinh tế, mô hình kinh doanh khác, công ty cổ phần có thể huy động vốn theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể như: chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cổ phần cho các cổ đông hay phát hành chứng khoán và trái phiếu.
Hình thức chuyển nhượng vốn góp
Cổ phiếu là một loại hàng hóa, giấy tờ hoàn toàn có giá trị. Do đó, người sở hữu cổ phiếu một cách hợp pháp sẽ có quyền tự do chuyển nhượng, mua bán cổ phiếu theo đúng quy định của pháp luật trừ một số trường hợp đặc biệt đã được quy định trong Luật Doanh Nghiệp 2014.
Trên đây là khái niệm, định nghĩa và một số thông tin chung về đặc điểm, tính chất của công ty cổ phần mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng sau bài viết này, các bạn sẽ có thêm một số kiến thức để có thể chuẩn bị cho việc thành lập một doanh nghiệp của riêng mình. Xin cảm ơn!
Có thể bạn muốn biết: Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần