100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải công nghiệp,…là những con số hết sức khủng khiếp về tình hình xả thải ra môi trường ở nước ta hiện nay do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Song, công tác bảo vệ môi trường của quốc gia vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, chẳng hạn như: Ngân sách Nhà nước; Sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế;….Vậy những phương pháp nào được xem là khả thi trong giai đoạn hiện nay? Hãy cùng VnNews360 điểm qua một số biện pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong bài viết này.
Mục lục bài viết
1. Nâng cao ý thức người dân
Nguyên nhân khiến môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm là do các hoạt động sống của chính con người. Vì thế, Nhà nước, cơ quan ban ngành,…cần thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các chương trình nhằm nâng cao ý thức của người dân. Bên cạnh đó, mỗi người phải chủ động nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thông qua các hành động như:
- Trồng cây xanh, bảo vệ rừng: Cây xanh được xem là lá phổi của trái đất. Chúng có nhiệm vụ hấp thụ khí CO2 và thải ra khí O2, giúp lọc sạch bầu không khí.
- Sử dụng năng lượng sạch: Để bảo vệ môi trường, chúng ta nên tiết kiệm điện vì quá trình sản xuất điện thải ra khá nhiều chất có hại cho môi trường sống. Thay vào đó, năng lượng mặt trời và năng lượng gió là những giải pháp thay thế hoàn hảo.
- Vứt rác đúng nơi quy định: Xả rác bừa bãi là nguyên nhân gây mất mỹ quan, ô nhiễm sông ngòi, ô nhiễm đất và sinh ra rất nhiều hệ lụy khác. Không những thế, rác còn là mối đe dọa đối với các các loài động vật ngoài thế giới tự nhiên.
- Hạn chế sử dụng chất hóa học nguy hiểm: Chẳng hạn như hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và thay vào đó là dùng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.
- Xử lý chất thải đúng quy định: Rác thải trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cần được xử lý theo đúng quy định trước khi xả ra môi trường. Ngoài ra, rác thải trong sinh hoạt cũng cần được phân loại trước khi vứt vì một số chất như: pin, hóa chất, kim loại,…nếu không được xử lý đúng sẽ trở thành mối hiểm họa cho đất.
- Sử dụng các sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường: Sử dụng đồ tái chế là một phương pháp vừa tiết kiệm, vừa có tác dụng nâng cao khả năng sáng tạo. Ngoài ra, hiện nay, người ta cũng đã phát minh ra rất nhiều sản phẩm tự phân hủy mà không gây ảnh hưởng đến môi trường, rất đáng để sử dụng. Chẳng hạn như: bàn chải tre, ly tự phân hủy, túi giấy;….
2. Hoàn thiện hệ thống Pháp luật về bảo vệ môi trường
Để quá trình thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả tối đa, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống Pháp luật về môi trường một cách đồng bộ. Cụ thể như: Hoàn thiện hệ thống pháp lý, tránh tình trạng lơ là, chồng chéo, không rõ trách nhiệm; Tiếp tục xây dựng, đề ra các quy định bảo vệ môi trường phù hợp với thời đại; Tăng cường mức xử phạt sao cho đủ sức răn đe tất cả mọi người.
3. Chú trọng quy hoạch khu công nghiệp, làng nghề, đô thị
Công tác quy hoạch khu công nghiệp, làng nghề cần được chú trọng, tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, dẫn đến không thể kiểm soát hết. Bên cạnh đó, quy hoạch làng nghề, khu công nghiệp cũng phải đảm bảo: Cách xa khu dân cư; Làng nghề và khu công nghiệp được trang bị hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định; Thường xuyên lập báo cáo về tình hình xử lý chất thải. Cơ quan có thẩm quyền nên thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Đối với quy hoạch đô thị cũng cần phải chú trọng đến vấn đề xử lý chất thải. Chẳng hạn như: đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải đúng quy định. Ngoài ra, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện cũng là công tác hết sức cần thiết.
4. Chú trọng đến các dự án đầu tư
Với thực trạng môi trường ngày càng ô nhiễm như hiện nay thì các dự án đầu tư cần phải được xem xét, đánh giá chi tiết về tác động đến môi trường trước khi cấp phép. Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cũng nên tổ chức lấy ý kiến của người dân và các doanh nghiệp về việc cấp phép cho các dự án. Quá trình thẩm định phải đảm bảo công bằng, chính xác, cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và những ảnh hưởng về lâu dài.
Trên đây là một số biện pháp bảo vệ môi trường mà đội ngũ biên tập viên VnNews360 muốn chia sẻ với bạn đọc. Mong rằng sau khi tham khảo bài viết này, các bạn sẽ ý thức được rằng bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước mà còn là nhiệm vụ của mỗi người dân chúng ta. Từ đó, có những hành động thiết thực, góp phần giữ gìn môi trường sống xanh sạch đẹp.