Mục lục bài viết
- Việt nam hiện là nơi cư trú của gần 200 loài rắn khác nhau. Trong đó có khoảng hơn 50 loài rắn độc. Chúng là nguyên nhân của hơn 30.000 ca nhập viện vì trúng độc mỗi năm. Do đó, biết cách phân biệt rắn độc và rắn không độc cũng như cách sơ cứu khi bị rắn cắn là rất cần thiết.
- Các loài rắn độc thường gặp ở Việt Nam
- Cách phân biệt rắn độc và rắn thường
- Những triệu chứng, dấu hiệu biểu hiện sau khi bị rắn cắn
- Cách sơ cứu khi bị rắn cắn
- Một số biện pháp sơ cứu sai lầm khi bị rắn cắn
- Cách phòng tránh bị rắn cắn
Việt nam hiện là nơi cư trú của gần 200 loài rắn khác nhau. Trong đó có khoảng hơn 50 loài rắn độc. Chúng là nguyên nhân của hơn 30.000 ca nhập viện vì trúng độc mỗi năm. Do đó, biết cách phân biệt rắn độc và rắn không độc cũng như cách sơ cứu khi bị rắn cắn là rất cần thiết.
Các loài rắn độc thường gặp ở Việt Nam
Ở Việt Nam có khoảng 53 loài rắn độc thuộc hai họ chủ yếu sau:
Họ rắn hổ: Danh pháp khoa học là Elapidae. Loài này có đặc điểm chung là đầu hình bầu dục, không phân biệt rõ với cổ. Trên đầu có phủ vảy hình tấm ghép sát với nhau. Các loài chủ yếu trong họ này gồm có hổ mang thường, hổ mang chúa (hổ chúa), hổ đất, hổ phì, hổ mèo, cạp nong, cạp nia, ...
Hổ mang chúa (hổ chúa) là một trong những loài rắn nguy hiểm nhất thế giới.
Họ rắn lục: Danh pháp khoa học là Viperidae. Đặc điểm chung của họ rắn lục là đầu hình tam giác, mắt có con ngươi hình elip dựng đứng. Các loài chủ yếu của họ này gồm có rắn lục xanh, rắn lục mũi hếch, rắn choàm quạp, rắn lục đầu bạc, ...
Rắn lục xanh phân bố nhiều ở các tỉnh Hoà Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai.
Bạn nên tìm hiểu thêm: 10 loài rắn có chất độc nguy hiểm nhất ở nước ta
Cách phân biệt rắn độc và rắn thường
Về cơ bản, việc phân biệt rắn độc và rắn lành khá khó khăn. Tuy nhiên, có thể phân biệt một số loài rắn độc dựa vào các đặc điểm đặc trưng của chúng. Ví dụ như: Rắn hổ mang trước khi tấn công sẽ bạnh cổ, phát ra âm thanh đặc trưng; rắn cạp nong có thân khoang đen - vàng phân biệt rõ ràng (khúc vàng khúc đen); rắn cạp nia có thân khoang đen - trắng phân biệt rõ ràng (khúc trắng khúc đen); họ rắn lục nói chung có đầu to hình thoi hoặc hình tam giác.
Vết cắn của rắn độc và rắn thường cũng có sự khác biệt. Rắn độc thường có cặp răng độc lớn ở vị trí hàm trên, do đó khi cắn sẽ để lại vết cắn hình chữ V hoặc hình chấm than song song. Vết cắn cũng thường có hai dấu răng. Rắn thường thì không có răng độc mà chỉ có răng hàm nên khi cắn sẽ để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng trên vết cắn.
Vết thương bị rắn độc cắn, máu rỉ ra từ hai chỗ bị răng độc găm vào.
Những triệu chứng, dấu hiệu biểu hiện sau khi bị rắn cắn
Triệu chứng biểu hiện khi bị rắn thường cắn
Phản ứng tại chỗ chỉ là sưng tấy nhẹ, ít. Người bệnh không có phản ứng toàn thân
Triệu chứng biểu hiện khi bị rắn độc cắn
Tuỳ thuộc vào các loài rắn khác nhau và liều lượng nọc độc tiêm vào cơ thể mà nạn nhân sẽ có các dấu hiệu, biểu hiện khác nhau sau khi bị cắn. Cụ thể:
Họ rắn hổ cắn: Tại khu vực xung quanh vết cắn bị đau, phù nề, có thể có dấu hiệu hoại tử ở vùng bị cắn. Da xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, có mủ. Tuy nhiên, vết cắn của cạp nong, cạp nia lại thường không có các dấu hiệu trên. Biểu hiện toàn thân là đau nhiều, khó nói hoặc không nói được. Mắt mờ dần, chân tay yếu đi, khó thở và liệt toàn thân. Tim đập loạn, đái ít,... Để lâu sẽ dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là tắc thở do tê liệt các cơ.
Họ rắn lục cắn: Biểu hiện nhiễm độc do rắn lục cắn thường là da sưng nề, phỏng nước. Toàn thân bị chảy máu khó cầm. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do mất máu quá nhiều.
Cách sơ cứu khi bị rắn cắn
Khi gặp phải trường hợp người bị rắn cắn, các bạn có thể thực hiện theo các bước sau đây:
- Trấn an, động viên người bệnh nếu họ vẫn còn tỉnh táo.
- Không để nạn nhân cử động, đi lại. Các bác sĩ cho biết, nọc độc xâm nhập vào cơ thể theo con đường mạch bạch huyết. Nọc độc đi theo con đường này sẽ di chuyển nhanh hơn khi nạn nhân vận động. Do đó cần phải hạn chế sự cử động của nạn nhân, đặc biệt là xunh quanh vùng bị cắn.
- Cởi bỏ đồ trang sức, quần áo ở gần khu vực bị cắn và gần cổ để nạn nhân dễ thở.
- Sử dụng biện pháp băng ép bất động: Dùng băng chun giãn, băng vải hoặc khăn, quần áo băng chặt vừa phải (vẫn có thể sờ thấy động mạch đập) bắt đầu từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ khu vực bị cắn. Dùng nẹp gỗ, tre,... để cố định lại. Lưu ý chỉ sử dụng biện pháp này đối với một số loại rắn hổ để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt toàn thân gây khó thở, không dùng đối với nạn nhân bị rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
Quy trình băng ép bất động.
- Hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân khó thở. Tiến hành hồi sinh tổng hợp (hô hấp nhân tạo kết hợp bóp tim ngoài lồng ngực) nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn (tim ngừng đập).
- Vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể. Trong lúc di chuyển, lưu ý vẫn duy trì băng ép, tránh cử động đồng thời để vùng bị cắn nằm thấp hơn tim.
Chú ý dù đã xác định nạn nhân bị rắn lành cắn cũng cần đưa đến bệnh viện để theo dõi ít nhất 12 giờ đầu. Vì mọi sự điều trị sau 24 - 48 giờ đều đưa lại hiệu quả rất kém thậm chí vô hiệu.
Một số biện pháp sơ cứu sai lầm khi bị rắn cắn
Garô: Garô là biện pháp làm tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn. Tuy biện pháp này rất có hiệu quả trong việc ngăn chặn nọc chảy về tim nhưng không thể áp dụng được lâu (không quá 40 phút) do khu vực bị buộc garô sẽ bị thiếu máu, hoại tử dẫn đến việc phải cắt bỏ. Ngoài ra, khi đến bệnh viện, nếu bác sĩ tháo băng garô mà không có biện pháp đề phòng thì có thể khiến cho nọc độc ùa về tim cùng một lúc gây ra sốc và đe doạ đến tính mạng của nạn nhân.
Trích, rạch, châm, chọc: Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy biện pháp này hoàn toàn vô ích, thậm chí còn gây thêm các tổn thương cho nạn nhân.
Hút nọc độc: Biện pháp này về cơ bản không có hiệu quả, có thể làm cho vết thương nặng thêm và thậm chí khiến cho người hút cũng bị dính độc.
Chườm đá: Đã được chứng minh là có thể gây hại.
Cách phòng tránh bị rắn cắn
- Nên tìm hiểu về những loài rắn phổ biến xung quanh khu vực mình cơ trú.
- Đi ủng, giày cao cổ, mặc quần dài và đội thêm mũ cứng rộng vành nếu đi trong đêm tối, khu vực xung quanh rừng rậm hoặc nhiều cây cỏ.
- Tránh xa nếu phát hiện rắn, không bắt, dồn ép rắn vào khu vực khép kín.
- Hạn chế đến gần những khu vực rắn thích cư trú như đống gạch vụn, đống đổ nát, rác, ...
- Trồng các loại cây có mùi cay, nồng, khó chịu ở gần nhà như cây nén, sả, hoa lan tỏi, sắn dây,...
Tinh dầu cay nồng trong cây nén có thể đuổi được loài rắn.
- Rắn là loài bò sát thích ở nơi bóng tối, mát mẻ, ẩm thấp và kín đáo. Do đó, nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, tránh tạo ra những nơi ẩm thấp, tối tăm để chúng trú ngụ.
- Nuôi thêm chó hoặc mèo, chúng sẽ cảnh báo cho bạn khi có vật lạ bò vào nhà.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về cách sơ cứu và phòng tránh bị rắn cắn mà các bạn nên biết. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết trên, các bạn đã có thêm kiến thức để biết cách để tự bảo vệ bản thân và người thân khỏi trường hợp trên.