Hiện nay, theo sự phát triển lớn mạnh và nhanh chóng của nền kinh tế nước ta, ngày càng nhiều người đã, đang và sẽ có ý định, nhu cầu, mong muốn mở một công ty cổ phần riêng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn chưa nhiều người biết được các trình tự, thủ tục pháp lý để có thể đăng ký thành lập một công ty cổ phần.
Trình tự và các thủ tục pháp lý thành lập công ty cổ phần
Trong Luật Doanh Nghiệp 2014 đã có quy định rõ về các trình tự và thủ tục pháp lý để đăng ký thành lập một công ty cổ phần ở Điều 27. Cụ thể như sau:
Bước 1: Người muốn thành lập doanh nghiệp là công ty cổ phần hoặc người được người thành lập doanh nghiệp ủy quyền sẽ gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật cho Cơ quan quản lý việc đăng ký kinh doanh.
Bước 2: Cơ quan quản lý việc đăng ký kinh doanh sẽ có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong thời gian tối đa là 3 ngày kể từ khi nhận hồ sơ. Sau đó, cơ quan này có trách nhiệm gửi về cho người đăng ký Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu hồ sơ hợp lệ hoặc văn bản thông báo ghi rõ lý do, nguyên nhân và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu có trong trường hợp từ chối không cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần cần có những gì?
Luật Doanh Nghiệp 2014 có nêu rõ các thành phần cần thiết trong hồ sơ thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần ở Điều 23, cụ thể:
1. Giấy đề nghị được đăng ký doanh nghiệp: Mẫu giấy này đã được quy định ở thông tư số 20/2015/TT - BKHĐT về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ hoạt động công ty: Văn bản ấn định cách tạo lập, hoạt động và giải thể doanh nghiệp.
3. Danh sách những người sáng lập công ty: Gồm cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư cá nhân ở nước ngoài (nếu có), người đại diện ủy quyền của cổ đông là tổ chức ở nước ngoài (nếu có). Danh sách này được làm theo mẫu quy định trong thông tư 20/2015/TT - BKHĐT.
4. Bản sao hợp lệ của các loại giấy tờ sau:
► Đối với những cổ đông sáng lập và cổ đông ở nước ngoài (nếu có) là cá nhân: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác.
► Đối với những cổ đông sáng lập và cổ đông ở nước ngoài (nếu có) là tổ chức: Giấy quyết định thành lập, Giấy chứng nhận doanh nghiệp hoặc những tài liệu chứng thực doanh nghiệp tương tự khác của tổ chức đó kèm theo văn bản ủy quyền, Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu hoặc bất cứ loại giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp nào khác của người được ủy quyền làm đại diện cho tổ chức đó. Ngoài ra, nếu cổ đông là tổ chức ở nước ngoài thì những tài liệu trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
► Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với cổ đông là cá nhân hay tổ chức ở nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định.
Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Luật Doanh Nghiệp 2014 trong Điều 28 có nêu rõ các trường hợp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể:
► Ngành, nghề mà người đăng ký kinh doanh không bị cấm.
► Tên doanh nghiệp đặt theo đúng quy định, đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau: không trùng hoặc dễ gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp bất kỳ đã đăng ký trước đó; không lấy tên của một cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp bất kỳ để làm một phần hoặc toàn bộ tên riêng của doanh nghiệp trừ khi có được sự chấp thuận của chính cơ quan, đơn vị hay tổ chức đó; trong tên doanh nghiệp không chứa những từ ngữ, ký hiệu phản cảm, vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức hay thuần phong mỹ tục của dân tộc.
► Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đầy đủ, hợp lệ.
► Nộp đầy đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của thông tư số 176/2012/TT - BTC và thông tư số 106/2013/TT - BTC.
Trên đây là một số thông tin về hồ sơ, thủ tục pháp lý và quy trình thành lập công ty cổ phần mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn sẽ có thêm một số thông tin cần thiết, phù hợp để có thể dễ dàng tiến hành thành lập cho riêng mình một doanh nghiệp như mơ ước. Xin cảm ơn!