Các thuật ngữ quốc gia và vùng lãnh thổ ngày nay đã trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ quốc gia và vùng lãnh thổ là gì cũng như sự khác nhau giữa chúng là như thế nào. Mời bạn đọc cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời cho những vấn đề trên.
Mục lục bài viết
Các khái niệm, định nghĩa
Quốc gia là gì
Hiện nay trên thế giới đang có khá nhiều định nghĩa, khái niệm về quốc gia. Ở mỗi khu vực, mỗi địa phương lại có những định nghĩa, cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này. Do đó, dưới đây chúng tôi chỉ đưa ra những định nghĩa phổ biến và được công nhận nhiều nhất.
Theo định nghĩa tổng quát, quốc gia là một khái niệm hợp thành từ địa lý, chính trị, tinh thần, tình cảm và pháp lý. Cụ thể: Quốc gia là một vùng lãnh thổ có chủ quyền (theo địa lý), có một chính quyền (theo chính trị) và những con người thuộc các dân tộc cùng sinh sống, hoạt động trên vùng lãnh thổ đó. Những người này chấp nhận nền văn hoá và lịch sử tạo dựng nên quốc gia (theo tinh thần), họ chịu sự chi phối của chính quyền, gắn bó với nhau bởi luật pháp (pháp lý), quyền lợi, văn hoá, tôn giáo, ngôn ngữ và chữ viết (theo tình cảm).
Theo từ điển pháp luật Black (từ điển luật về các thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong Toà án Tối cao Hoa Kỳ) thì quốc gia là khái niệm để chỉ một dân tộc hoặc một nhóm người kết hợp với nhau, hiện diện dưới hình thức một tổ chức tư nhân có tổ chức, trú ngụ ở một phần riêng biệt của Trái Đất. Họ sử dụng chung một ngôn ngữ, một luật lệ, có tính lịch sử liên tục và khác biệt với những nhóm người khác về nguồn gốc cũng như một số đặc trưng. Ngoài ra, những người này cùng chung sống dưới một chính quyền có chủ quyền.
Theo công pháp quốc tế, một quốc gia là một chủ thể của luật quốc tế nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn ghi trong Công ước Montevideo về quyền và nhiệm vụ các Quốc gia. Công ước này được ký kết tại Montevideo, Uruguay vào ngày 26 tháng 12 năm 1933 và được chấp nhận là một phần của pháp luật tập quán quốc tế.
Đất nước là gì?
Trên thế giới, đất nước có ý nghĩa rộng hơn quốc gia. Theo đó, đất nước là từ để chỉ quốc gia có chủ quyền và hoàn toàn độc lập hoặc quốc gia phụ thuộc hay bị chiếm đóng bởi quốc gia khác. Đôi khi, đất nước còn được dùng để chỉ các thực thể chính trị khác ngoài thực thể chính trị “quốc gia”. Cụ thể như CIA World Factbook (tài liệu về các quốc gia, đất nước trên toàn thế giới do Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ - CIA lập ra) sử dụng từ đất nước để chỉ “một nghĩa rộng bao gồm cả các quốc gia phụ thuộc, khu vực có chính quyền đặc biệt, đảo không có người ở và các thực thể khác ngoài quốc gia truyền thống hoặc quốc gia độc lập”.
Ở nước ta, đất nước thường được dùng để chỉ quốc gia và ngược lại. Trong một số trường hợp, hai khái niệm cũng có thể được sử dụng để thay thế cho nhau. Dù vậy, do sự phong phú của tiếng Việt nên đôi khi hai từ này lại được sử dụng để diễn tả các sắc thái khác nhau.
Các yếu tố cấu thành quốc gia trong tư pháp quốc tế
Trong Điều 1, Công ước Montevideo về quyền và nhiệm vụ của các quốc gia có ghi rõ:
Một quốc gia là pháp nhân pháp lý của luật pháp quốc tế nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Một số dân thường trực
- Một lãnh thổ xác định
- Một chính phủ
- Quyền hạn tham gia vào các quan hệ quốc tế với những quốc gia khác.
Như vậy, nếu xét theo ý nghĩa tổng quát thì trên thế giới hiện nay đang có tất cả 204 quốc gia. Còn theo phương diện luật pháp quốc tế thì thế giới có 193 quốc gia chính thức (được thừa nhận hoàn toàn) và Thành quốc Vatican (là quốc gia đặc biệt).
Vùng lãnh thổ là gì?
Từ khái niệm tổng quát và khái niệm theo luật pháp của quốc gia, có thể định nghĩa vùng lãnh thổ như sau: Vùng lãnh thổ là một quốc gia thiếu đi ít nhất một trong 4 yếu tố để cấu thành quốc gia chính thức theo tư pháp quốc tế. Có nhiều hình thức vùng lãnh thổ tồn tại trên thế giới và mỗi hình thức lại có định nghĩa riêng. Cụ thể:
Quốc gia được công nhận hạn chế: Là những vùng lãnh thổ có đầy đủ yếu tố của một quốc gia theo khái niệm chung tuy nhiên lại thiếu đi khả năng quan hệ quốc tế với những quốc gia khác. Những quốc gia này chưa được công nhận bởi quốc gia nào hoặc chỉ được công nhận hạn chế bởi một hay một số quốc gia chính thức mà không phải là toàn bộ Liên Hiệp Quốc.
Vùng lãnh thổ tự trị: Là một vùng lãnh thổ thuộc về một quốc gia (mẫu quốc) cụ thể. Vùng lãnh thổ tự trị được quyền tự cai quản, có nét đặc trưng riêng về văn hoá (dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo,...), kinh tế, xã hội (chính quyền, chính phủ, hành pháp,...). Vùng lãnh thổ tự trị có thể được độc lập trên thực tế (có quyền tự cai quản thực sự) hoặc chỉ độc lập theo luật định (được công nhận là độc lập nhưng vẫn nằm dưới sự cai quản của mẫu quốc).
Vùng lãnh thổ phụ thuộc: Là vùng lãnh thổ không có đầy đủ chính phủ hay chủ quyền không được độc lập hoàn toàn. Các vùng lãnh thổ thường là một phần đất ở xa so với phần đất chính hoặc cựu thuộc địa cũ. Đặc điểm chính để nhận biết một vùng lãnh thổ phụ thuộc là có tổ chức chính quyền địa phương nhưng không có (hoặc có một phần nhỏ) hiến pháp quốc gia. Ngoài ra, lãnh thổ phụ thuộc cũng có thể không có dân số thường trú.
Các vùng lãnh thổ trên thế giới
Hiện nay trên thế giới có 10 quốc gia được công nhận hạn chế. Trong đó có 3 quốc gia chưa được quốc gia chính thức nào công nhận: Somaliland, Transnistria và Nagorno - Karabakh. 3 quốc gia chỉ được số ít các quốc gia chính thức công nhận: Abkhazia, Bắc Síp và Nam Ossetia. 4 quốc gia được nhiều quốc gia chính thức công nhận nhưng chưa được Liên Hiệp Quốc công nhận: Kosovo, Đài Loan, Tây Sahara và Palestine.
Đài Loan vẫn chưa được coi là một quốc gia chính thức
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều các vùng lãnh thổ tự trị. Một số vùng lãnh thổ tự trị nổi tiếng từ lâu gồm có: Hồng Kông, Ma Cao, Tây Tạng, Tân Cương (thuộc Trung Quốc), Bắc Ireland (thuộc Anh), Dải Gaza (thuộc Palestine),...
Có rất nhiều các vùng lãnh thổ phụ thuộc trên thế giới. Trong đó, các vùng lãnh thổ phụ thuộc nổi tiếng gồm: Đảo Christmas, Quần đảo Cocos, Đảo Norfolk (Úc), Greenland (Đan Mạch), Saint - Martin (Pháp), Bermuda, Quần đảo Virgin (Anh),...
Sự khác nhau giữa quốc gia và vùng lãnh thổ
Từ các khái niệm, định nghĩa đã nêu ở trên, có thể thấy sự khác nhau rõ ràng nhất giữa quốc gia và vùng lãnh thổ chính là những yếu tố cấu thành chúng. Cụ thể, một quốc gia theo nghĩa rộng sẽ được coi là vùng lãnh thổ trong luật pháp quốc tế khi có các yếu tố sau:
- Lãnh thổ không xác định hoặc đang bị tranh chấp.
- Chính quyền không có đầy đủ quyền hạn.
- Không được tất cả các quốc gia hay Liên Hiệp Quốc công nhận cũng như không có khả năng tham gia vào các mối quan hệ quốc tế.
Trên đây là một số định nghĩa, khái niệm về quốc gia, vùng lãnh thổ là gì, yếu tố cấu thành quốc gia và vùng lãnh thổ trong luật pháp quốc tế cũng như sự khác nhau giữa chúng mà VnNews360.Net muốn gửi đến bạn đọc. Cảm ơn đã theo dõi và hy vọng các bạn có thể bổ sung thêm những kiến thức bổ ích qua bài viết này.
Tìm hiểu thêm: Có tất cả bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện nay?