Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao nhất trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 8 triệu người chết vì mắc bệnh ung thư. Ung thư có rất nhiều loại, mỗi loại đều có những nguyên nhân khác nhau nhưng có chung một nguyên lý phát sinh. Vậy nguyên nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm này là gì? Cơ chế hình thành ra sao? Hãy cùng Vnnews360 tìm hiểu về cơ chế hình thành ung thư.
Mục lục bài viết
Nguyên nhân phát sinh ung thư
Có rất nhiều căn bệnh ung thư khác nhau như: ung thư gan, ung thư vú, ung thư vòm họng,....Mỗi loại ung thư đều có những nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên nguyên nhân chung dẫn đến căn bệnh ung thư chính là sự biến đổi và phân chia một cách mất kiểm soát của tế bào.
Cơ thể con người được cấu tạo từ nhiều loại tế bào khác nhau. Những tế bào này được sinh ra, phát triển và hoạt động để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Sau đó chúng sẽ dần bị lão hóa và được cơ thể kiềm chế hoặc loại bỏ đồng thời sinh ra các tế bào mới. Tuy nhiên trong quá trình lão hóa, một số tế bào tránh được apoptosis hoặc quá trình kiềm chế, loại bỏ và sau đó bắt đầu phát triển, phân chia một cách mất kiểm soát. Lâu dần, các tế bào sẽ tích lũy lại thành một khối u và chèn ép hoặc hủy hoại các cơ quan nơi chúng hình thành và phát triển. Các khối u này nếu không lan ra các bộ phận khác được gọi là u lành tính. Nếu lan sang các bộ phận khác được gọi là u ác và quá trình khối u lan sang các bộ phận khác được gọi là quá trình di căn.
Cơ chế hình thành bệnh ung thư
Ung thư là một loại bệnh lý liên quan đến gen và cơ chế hình thành căn bệnh này cũng xuất phát từ sự đột biến gen hay biến đổi của gen. Con người có nhiều loại gen khác nhau và được chia thành hai nhóm chính là gen tiền ung thư và gen ức chế ung thư. Gen tiền ung thư có nhiệm vụ truyền thông tin phân bào đến các tế báo đề chúng tiến hành phân chia. Gen ức chế ung thư có nhiệm vụ truyền thông tin ngừng phân bào khi nhận thấy có sự hư hỏng để tế bào đồng thời kích hoạt quá trình sửa chữa tế bào. Các gen này hoạt động điều hòa, nhịp nhàng với nhau để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Nếu một trong hai gen này hoạt động một cách không bình thường, các tế bào sẽ phân chia liên tục và mất kiểm soát.
Tuy nhiên ung thư chỉ hình thành khi cả gen tiền ung thư và gen ức chế ung thư đều bị đột biến. Bởi nếu chỉ gen tiền ung thư bị đột biến, gen ức chế ung thư vẫn sẽ có khả năng ngăn chặn sự phân chia tế bào đồng thời kích hoạt chương trình sửa chữa. Còn nếu chỉ gen ức chế ung thư bị đột biến thì sự phân chia và chết đi của tế bào vẫn bình thường và không gây ra bệnh.
Cơ chế di căn của bệnh ung thư xảy ra như thế nào?
Sau khi các tế bào không ngừng phân chia liên tục và tạo thành các khối u. Nếu khối u này không ảnh hưởng đến cách bộ phận khác gọi là u lành. Nếu chúng di chuyển sang các bộ phận khác gọi là di căn. Quá trình di căn là đặc điểm chính để phân biệt giữa các khối u lành tính và ung thư. Đồng thời đây cũng có thể coi là loại “vũ khí” đáng sợ nhất của bệnh bởi hầu hết các ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều xảy ra sau khi bệnh đã di căn. Có thể lý giải nguyên nhân này như sau: khi bệnh ung thư xảy ra, nếu các tế bào ung thư không di căn, khối u chỉ hủy hoại bộ phận mà nó tồn tại và phát triển, không ảnh hưởng đến các cơ quan khác và có thể không gây chết người. Còn nếu bệnh di căn đến các cơ quan khác, chúng sẽ phá hủy chức năng hoạt động của tất cả những bộ phận này từ đó khiến cho bệnh nhân tử vong. Và cơ chế di căn của bệnh ung thư sẽ diễn ra như sau:
Sau khi gen bị đột biến, các tế bào ung thư bắt đầu sinh ra. Một số các tế bào này có khả năng xâm nhập vào mạch máu hoặc hạch bạch huyết. Từ đó chúng di chuyển ra xa khỏi vị trí phát sinh căn bệnh, mắc lại ở đâu đó và bắt đầu tạo thành một khối u mới. Ngoài ra, các tế bào này còn có thể đi qua các màng phúc mạc, thanh mạc rồi rơi vào các hốc hoặc ống của cơ thể và từ đó tạo thành tình trạng di căn. Bên cạnh đó, dù khối u đã di căn đến những vị trí rất xa, các tế bào tạo ra nó vẫn là tế bào đột biến của bộ phận phát sinh bệnh và do đó tên gọi của khối u di căn cũng được lấy theo vị trí phát sinh bệnh. Ví dụ: khi bệnh nhân bị ung thư gan và di căn sang phổi, lúc này các tế bào tạo thành khối u ở phổi vẫn là tế bào gan bị đột biến. Do đó khối u ở phổi được gọi là ung thư gan di căn sang phổi, không phải là ung thư phổi.
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân và cơ chế hình thành ung thư mà Vnnews360 chúng tôi muốn chia sẻ. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, bạn đã có thêm cho mình những hiểu biết và kiến thức về căn bệnh nguy hiểm này.