Mục lục bài viết
- Cùng với sự phát triển của kỹ thuật làm phim, mức độ nổi tiếng của các diễn viên và lợi nhuận thu được sau khi công chiếu, những bộ phim “bom tấn” cũng đang được đầu tư ngày một nhiều tiền. Và sau đây là danh sách 10 bộ phim có kinh phí lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
- 10. Pirates of Caribbean 2 - Deadman ‘s chest (2006): 267 triệu USD
- 9. Water World (1995): 270 triệu USD
- 8. John Carter (2012): 275 triệu USD
- 7. Harry Potter and the Half - Blood Prince (2009): 279 triệu USD
- 6. Avengers 2 - Age of Ultron (2015): 283 triệu USD
- 5. Tangled (2010) - 286 triệu USD
- 4. Titanic (1997) - 298 triệu USD
- 3. Spider - Man 3 (2007): 298 triệu USD
- 2. Pirates of Caribbean 3 - At World ‘End (2007): 347 triệu USD
- 1. Pirates of Caribbean 4 - On Strange Tides (2011): 403 triệu USD
Cùng với sự phát triển của kỹ thuật làm phim, mức độ nổi tiếng của các diễn viên và lợi nhuận thu được sau khi công chiếu, những bộ phim “bom tấn” cũng đang được đầu tư ngày một nhiều tiền. Và sau đây là danh sách 10 bộ phim có kinh phí lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Kinh phí sản xuất các bộ phim được tính bằng giá trị sau lạm phát. Có nghĩa là số tiền chúng tôi đưa ra trong danh sách sẽ bằng với số tiền các nhà làm phim phải chi nếu muốn sản xuất bộ phim đó ở thời điểm hiện tại. Giá trị này tính theo Chỉ số giá tiêu dùng Hoa Kỳ do đó sẽ có một số sai sót nhỏ.
10. Pirates of Caribbean 2 - Deadman ‘s chest (2006): 267 triệu USD
Pirates of Caribbean 2: Deadman ‘s chest (tạm dịch: Cướp biển vùng Caribe - Chiếc rương của người chết) là phần 2 của series phim phiêu lưu viễn tưởng thần thoại nổi tiếng Cướp biển vùng Caribe kể về những cuộc hành trình của tên cướp biển Jack Sparrow. Trước đó, phần 1 của bộ phim đã khá thành công với tổng doanh thu toàn cầu lên tới 654 triệu USD, phá vỡ “lời nguyền” dành cho thể loại phim cướp biển truyền thống (những bộ phim kể về cướp biển trước đó hầu hết đều thất bại thảm hại). Điều này là nguyên nhân chính khiến cho hãng phim Disney quyết định chi một số tiền khổng lồ - 225 triệu USD vào năm 2006 - để sản xuất phần 2. Và với tổng doanh thu toàn cầu đạt hơn 1 tỷ USD, rõ ràng đây lại là một quyết định vô cùng đúng đắn của “Nhà Chuột”.
9. Water World (1995): 270 triệu USD
Water World (tạm dịch: Thế giới nước) là bộ phim “già” nhất trong danh sách. Đồng thời nó cũng là một trong hai bộ phim được sản xuất trước thế kỷ 21. Lấy đề tài hậu tận thế khá quen thuộc, bộ phim của hãng Universal có bối cảnh khi phần lớn diện tích bề mặt Trái Đất đã chìm dưới nước và nhân loại phải chiến đấu với nhau để giành giật từng phần đất còn lại. Mặc dù được “chi bạo” với 172 triệu USD vào năm 1995 tuy nhiên doanh thu toàn cầu của bộ phim chỉ đạt 264 triệu USD. Đây được xem là một sai lầm lớn của Universal đồng thời cũng là “thảm hoạ” của điện ảnh thời bấy giờ. Bên cạnh đó, hãng sản xuất còn phải chi thêm tiền cho khâu tiếp thị, phát hành phim. Do đó, Tổng chi phí sản xuất bộ phim cũng tăng lên tới 235 triệu USD.
8. John Carter (2012): 275 triệu USD
Disney xưa nay vẫn nổi tiếng là hãng phim thích đặt cược vào các thương hiệu điện ảnh. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi “Nhà Chuột” quyết định chi một số tiền sản xuất lên tới 263,7 triệu USD cùng với 40 triệu USD dành cho tiếp thị và quảng bá vào năm 2012 để đưa series tiểu thuyết kể về người hùng Sao Hoả John Carter của nhà văn Edgar Rice Burroughs lên màn ảnh đồng thời xây dựng nó trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, bộ phim lại trở thành một “quả bom xịt” khi chỉ thu được 73 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ và 284,1 triệu USD tổng doanh thu toàn cầu. Do đó, dự án thương hiệu John Carter cũng bị tạm dừng vô thời hạn.
7. Harry Potter and the Half - Blood Prince (2009): 279 triệu USD
Harry Potter and the Half - Blood Prince (tạm dịch Harry Potter và Hoàng tử lai) là phần thứ 6 trong series phim kể về cậu bé phù thuỷ Harry Potter. Được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên và là một trong những bộ tiểu thuyết thiếu nhi ăn khách nhất mọi thời đại, không có gì là ngạc nhiên khi hãng Warner Bros sẵn sàng “chi bạo” với số tiền lên tới 250 triệu USD vào năm 2009 để thực hiện một phần của bộ truyện và hơn 1 tỷ USD cho 8 tập phim. Và rõ ràng, Warner Bros đã có thể mỉm cười khi mà phần 6 thu về tới hơn 934 triệu USD và cả series có tổng doanh thu lên tới 7,7 tỷ USD.
6. Avengers 2 - Age of Ultron (2015): 283 triệu USD
Quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng, kỹ xảo đặc sắc, hiệu ứng hình ảnh tuyệt vời cùng, không mấy ngạc nhiên khi Avengers 2 (tạm dịch Biệt đội siêu anh hùng 2) trở thành bộ phim có kinh phí lớn nhất của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (Marvel Cinematic Universe - MCU). Được chuyển thể từ tập truyện tranh cùng tên, bộ phim tiếp nối sự thành công của phần 1 và quy tụ dàn nhân vật siêu anh hùng nổi tiếng nhất nhì Marvel với Captain America, Iron Man, Thor, Hulk,... để làm nên bộ phim dài 142 phút trị giá tới 279,9 triệu USD vào năm 2015. Tuy nhiên, với doanh thu toàn cầu lên tới 1,4 tỷ USD và đứng thứ 6 trong danh sách những bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh thì rõ ràng việc nhà sản xuất Marvel Studios “chi bạo” hơn nữa để làm các phần tiếp theo là điều có thể đoán trước được.
5. Tangled (2010) - 286 triệu USD
Với chi phí 286 triệu USD sau lạm phát, Tangled (tạm dịch Công chúa tóc mây) là bộ phim hoạt hình duy nhất trong danh sách và do đó cũng là bộ phim hoạt hình đắt giá nhất trong lịch sử điện ảnh. Phải mất 6 năm trời, Walt Disney mới cho ra được câu chuyện về nàng công chúa có mái tóc phép thuật với chi phí lên tới 260 triệu USD. Bộ phim cũng có ý nghĩa rất lớn khi là phim hoạt hình thứ 50 trong series phim hoạt hình cổ điển do Walt Disney sản xuất. Tangled giành được rất nhiều lời khen ngợi từ những nhà phê bình và thu về cho “Nhà Chuột” khoảng 591 triệu USD tổng doanh thu toàn cầu (đứng thứ 30 trong danh sách các bộ phim hoạt hình có doanh thu lớn nhất mọi thời đại).
4. Titanic (1997) - 298 triệu USD
Là bộ phim thứ 2 trong danh sách được sản xuất và phát hành vào trước thế kỷ 21, Titanic thuộc thể loại tình cảm lãng mạn mang yếu tố lịch sử kể về hành trình đầu tiên và cũng là cuối cùng của Titanic, con tàu lớn nhất thế giới năm 1912. Titanic đã bị đắm khi đang đi từ thành phố Southampton (Anh) đến New York (Hoa Kỳ) và khiến cho 1.500 người tử nạn. Để có thể làm ra bộ phim để đời này, đạo diễn James Cameron đã sử dụng của hãng Century Fox và của chính ông 200 triệu USD (năm 1997). Tuy nhiên khi so với những thành công mà Titanic đem lại, rõ ràng 200 triệu USD lại trở nên vô cùng “nhỏ bé”. Bộ phim thu về tới 1,84 tỷ USD ngay trong lần đầu tiên phát hành, trở thành bộ phim đầu tiên có doanh thu vượt 1 tỷ USD và là bộ phim có doanh thu lớn nhất mọi thời đại đến tận năm 2009. Đồng thời, với 90 giải thưởng và 47 đề cử, Titanic đã đưa đạo diễn James Cameron cùng 2 diễn viên chính Leonardo DiCaprio, Kate Winslet vào nhóm những nhân vật nổi tiếng nhất Hollywood lúc bấy giờ. Ngoài ra, mới đây phiên bản 3D của bộ phim cũng đã được phát hành vào năm 2012, đem về thêm 343,6 triệu USD và nâng tổng doanh thu bộ phim lên thành 2,18 tỷ USD (bộ phim thứ 3 có doanh thu hơn 2 tỷ USD, sau Avatar và trên Star Wars 7).
3. Spider - Man 3 (2007): 298 triệu USD
Spider - Man 3 (Người nhện 3) là phần phim cuối cùng trong series phim Spider - Man được sản xuất vào thập niên 2000. Với kinh phi sản xuất lên tới 258 triệu USD lúc bấy giờ và khoảng 298 triệu USD hiện nay, đây là bộ phim có kinh phí đắt nhất thế giới về đề tài siêu anh hùng. Tuy nhiên, dù quy tụ nhiều nhân vật tuyệt vời, những pha hành động và chiến đấu mãn nhãn cùng tổng doanh thu toàn cầu lên tới 890 triệu USD, Spider - Man 3 lại không được lòng các nhà phê bình. Có lẽ vì vậy mà Sony dừng sản xuất series này.
2. Pirates of Caribbean 3 - At World ‘End (2007): 347 triệu USD
Là phần thứ 3 của series, Pirates of Caribbean 3 - At World ‘End (tạm dịch Cướp biển vùng Caribe 3 - Nơi tận cùng thế giới) tiêu tốn của Disney tới 300 triệu USD vào năm 2007. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi về mặt kỹ xảo, hiệu ứng và các khung cảnh hoành tráng, đẹp mắt. Tuy nhiên, bộ phim lại không được lòng các nhà phê bình khi bị chỉ trích khá nhiều về mặt cốt truyện và thời gian. Mặc dù vậy, với tổng doanh thu toàn cầu 963 triệu USD thương hiệu Cướp biển Caribe và tay thuyền trưởng khét tiếng Jack Sparrow vẫn cho thấy sức hút đối với các khán giả. Đồng thời, đây cũng là động lực để hãng phim Walt Disney sản xuất thêm phần 4 và phần 5.
1. Pirates of Caribbean 4 - On Strange Tides (2011): 403 triệu USD
Có thể thấy, series phim Cướp biển vùng Caribe hiện đang là series phim đắt đỏ nhất trong lịch sử điện ảnh nếu tính trung bình từng bộ phim khi mà có tới 3/5 phần phim nằm trong danh sách này. Đồng thời, Disney cũng là hãng phim “chịu chơi” hơn cả trong số các “ông lớn” của Hollywood khi mà có tới 6 tác phẩm nằm trong danh sách những bộ phim đắt giá nhất. Tuy đã có dự định kết thúc series Cướp biển Caribe từ phần 3 tuy nhiên những con số về doanh thu đã tạo niềm tin cho “Nhà Chuột” làm tiếp phần 4. Mặc dù bị chê về mặt nội dung và cốt truyện, bộ phim vẫn mang về cho nhà phát hành 1,046 tỷ USD. Tạo tiền đề cho phần 5 vừa ra mắt vào tháng 5 vừa qua cùng phần 6 dự kiến sẽ được sản xuất trong thời gian sắp tới.
Trên đây là danh sách 10 bộ phim có kinh phí cao nhất mọi thời đại mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Có thể thấy, hầu hết những bộ phim có kinh phí cao sản xuất trong thời gian gần đây đều tạo được tiếng vang lớn đồng thời thu về lợi nhuận khổng lồ. Do đó, thực trạng “chi tiền như nước” hiện nay đang trở nên ngày một phổ biến ở Hollywood. Và có thể trong tương lai không xa chúng ta sẽ được xem những bộ phim với kinh phí sản xuất vượt xa 403 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm: Những bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh