Tụt huyết áp hay huyết áp thấp là một căn bệnh khá nguy hiểm và phổ biến ở nước ta. Tụt huyết áp có thể gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề do đó các bạn nên nắm được các triệu chứng cũng như cách chữa trị tụt huyết áp đơn giản tại nhà để xử lý khi cần thiết.
Mục lục bài viết
Tụt huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực đẩy do sự tuần hoàn của máu trong cơ thể gây ra. Khi tim đập, huyết áp thay đổi từ cực đại (áp lực tâm thu) đến cực tiểu (áp lực tâm trương). Do đó, tụt huyết áp hay huyết áp thấp là tình trạng khi huyết áp trong máu thấp hơn mức bình thường, trong đó huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mm thuỷ ngân (90 mmHg) và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mm thuỷ ngân (60 mmHg).
Nguyên nhân tụt huyết áp
Bệnh tụt huyết áp có rất nhiều nguyên nhân, những nguyên nhân phổ biến thường gặp gồm có:
- Tụt huyết áp do mất nước: Nôn liên tục, tiêu chảy kéo dài,...
- Tụt huyết áp do mất máu: Bị vết thương lớn, không cầm được máu, hiến máu,...
- Tụt huyết áp do bị các bệnh về tim: Suy tim, đau tim, hở van tim,...
- Tụt huyết áp do rối loạn nhịp tim: Chạy, nhảy, vận động quá sức,...
- Tụt huyết áp do mang bầu.
- Tụt huyết áp do nhiễm trùng: Vi khuẩn vào máu dẫn tới sốc nhiễm khuẩn, từ đó gây tụt huyết áp.
- Tụt huyết áp do thiếu dinh dưỡng: Thiếu các loại vitamin B9 và B12.
- Tụt huyết áp do khó thở.
Biểu hiện của tụt huyết áp
Những biểu hiện phổ biến nhất của tụt huyết áp là choáng váng, chóng mặt, khó chịu bứt rứt trong người. Ngoài ra, tụt huyết áp có thể đi kèm với các triệu chứng của bệnh gây nên tụt huyết áp, cụ thể như: Tiêu chảy, đau bụng, sốt, nôn mửa, lạnh,... trong các trường hợp tụt huyết áp cấp tính. Cũng có thể tụt huyết áp chỉ gây hoa mắt chóng mặt thoáng qua, cơ thể hơi khó chịu khi tụt huyết áp do các nguyên nhân mạn tính như viêm phế quản, suy tim, ung thư, tiểu đường,...
Hậu quả của tụt huyết áp
Đối với những người bệnh bị tụt huyết áp nhiều lần, cơ thể sẽ không thể tự điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và khí oxy cho các cơ quan có chức năng quan trọng nhất như não, tim, thận,... về lâu dài sẽ gây ra tổn thương. Nếu không điều trị kịp thời, huyết áp thấp sẽ gây ra các biến chứng như nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận,... gây ảnh hưởng tới tính mạng. Huyết áp thấp cũng có thể dẫn tới tai biến mạch máu não. Ngoài ra, tụt huyết áp đột ngột có thể gây sốc, mất tự chủ dẫn tới nguy hiểm nếu người bệnh đang lái xe, làm việc trên cao,...
Cách chữa tụt huyệt áp
Đặt người bệnh nằm hoặc ngồi đúng tư thế
Khi nhận thấy người bệnh bị tụt huyết áp, nhanh chóng để người bệnh ngồi ở nơi thoáng mát hoặc đặt nằm trên giường, đầu hơi thấp, hai chân nâng cao. Đồng thời lấy dụng cụ đo huyết áp (nếu có) kiểm tra cho bệnh nhân để có phương pháp xử lý thích hợp.
Sơ cứu cho bệnh nhân
Cho người bệnh uống 2 cốc nước tương đương khoảng 480ml. Nếu có thể thì cho bệnh nhân uống trà gừng, nước sâm, cà phê, rau cần tây, nước nho,...
Uống thuốc hỗ trợ
Bệnh nhân đang mắc bệnh tụt huyết áp nên lưu ý đem theo những loại thuốc hỗ trợ như heptamyl, coramin,... Ngoài ra theo một nghiên cứu của Đại học Havard, sôcôla chứa nhiều flavon có tác dụng bảo vệ thành mạch máu do đó lúc tụt huyết áp, ăn sô cô la cũng là một cách đơn giản và hiệu quả.
Sử dụng xoa bóp bấm huyệt
Day huyệt thái dương: Huyệt thái dương là huyệt nằm ở cuối mí mắt. Khi bj tụt huyết áp có thể dùng hai ngón tay day vào huyệt này, day đi day lại khoảng từ 20 - 50 lần.
Day huyệt phong trì: Huyệt phong trì nằm ở đốt xương gối giữa phần lõm dưới nơi gân cổ nổi lên. Dùng ngón tay day và bấm mạnh vào huyệt phong trì khoảng 10 lần.
Vuốt trán: Dùng hai ngón tay vuốt từ giữa trán sang hai bên đến huyệt thái dương khoảng 30 lần.
Cách phòng ngừa tụt huyết áp
Thói quen ăn ít, bỏ bữa, ăn cách nhau quá xa sẽ làm giảm sự đàn hồi, dẻo dai của mạch máu, lâu dài sẽ dẫn đến tụt huyết áp. Do đó, phải duy trì chế độ ăn uống hợp lý, không nên ăn kiêng. Tránh ăn các loại thức ăn có thể gây ngộ độc thực phẩm dẫn đến mất nước ở cơ thể gây tụt huyết áp.
Tìm hiểu thêm về: Các triệu chứng biểu hiện của ngộ độc thực phẩm và cách xử lý
Những người có tiền sử hoặc đang bị tụt huyết áp nên uống một số loại đồ uống có khả năng tăng huyết áp như: cà phê, nước chè, nước sâm, nước nho,... Có thể ăn hơi mặn để giữ nước trong cơ thể, tăng lượng máu lưu thông. Nếu bị tụt huyết áp do thiếu máu (thường gặp ở phụ nữ) có thể ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt như thịt đỏ, gan động vật, rau muống, rau dền, lựu, táo,... Hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích gây tổn hại cho hệ thần kinh.
Tránh stress và cố gắng cân bằng tâm lý. Một số người bị tụt huyết áp do bẩm sinh nên tích cực tập luyện thể thao như đi bộ, chạy, bơi, ...Tuy nhiên không nên tập quá nặng và quá sức, không tập cố hay tập khi đói. Tập dưỡng sinh, Yoga cũng rất có lợi cho sức khoẻ và hệ tuần hoàn.
Nên ưu tiên chữa trị các bệnh mạn tính đang mắc phải như suy gan, tiểu đường, viêm phế quản,... Với những người lớn tuổi nên sắm máy đo huyết áp để kiểm tra thường xuyên cũng như khám định kỳ sức khoẻ 2 lần một năm để điều chỉnh cơ thể tránh tụt huyết áp bất ngờ.