Địa điểm hạt nhân Hanford ở tiểu bang Washington, do Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) giám sát, là một cơ sở sản xuất plutonium, một chất phóng xạ chủ yếu dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Diện tích khu vực Hanford khoảng 1.517 km2. Địa điểm này hiện nay không còn sản xuất plutonium, nhưng hàng triệu lít chất thải phóng xạ vẫn còn lưu giữ ở đó. Ngày 9/5, các nhân viên tại khu bảo quản chất thải hạt nhân ở Hanford nhận được báo động từ quản lý, yêu cầu họ sơ tán và trú ẩn sau khi một phần đường hầm dài 6 m chứa các xe chở thiết bị nhiễm xạ bị sập, theo AFP. Cụ thể hơn, tình trạng khẩn cấp xảy ra ở một cơ sở rộng 80 ha gọi là Nhà máy Khai thác Plutonium Uranium, hay PUREX.
“Tất cả nhân viên ở trong khu vực lân cận đều được giải thích nguyên nhân gây ra báo động. Họ đều an toàn, và không có dấu hiệu cho thấy rò rỉ phóng xạ", Destry Henderson, người phát ngôn của Trung tâm Khẩn cấp Hanford, cho biết. Hiện Robot quân sự TALON đang được sử dụng để lấy mẫu thử trên mặt đất và không khí, nhằm xác định xem có sự rò rỉ phóng xạ hay không. Một số báo cáo cho rằng, sự rung động từ công việc sửa đường gần đó có thể là nguyên nhân gây ra sụp đổ đường hầm.
PUREX là nơi Mỹ sản xuất plutonium-239 (Pu-239) trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Plutonium-239 là nguyên liệu dùng để chế tạo bom hạt nhân. Nhà máy này dài hơn ba sân bóng đá, cao 19,5 m trên mặt đất và sâu 12 m. Các bức tường bê tông dày 1,8 m bên trong nhà máy có tác dụng che chắn người lao động tránh khỏi phóng xạ của tòa nhà. Trong giai đoạn 1956 - 1972 và 1983 - 1988, PUREX xử lý khoảng 75% lượng plutonium sản xuất ở Hanford. Một số nhà khoa học tin rằng, plutonium sản xuất tại PUREX nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. PUREX xử lý hơn 70.000 tấn thanh nhiên liệu uranium trong suốt quá trình hoạt động.