Ung thư phổi là căn bệnh ung thư khiến cho nam giới tử vong nhiều nhất và nữ giới tử vong nhiều thứ hai trên thế giới. Ở các nước đang phát triển, khả năng sống sót của bệnh nhân sau khi phát hiện bị mắc ung thư phổi là rất thấp. Do đó, bạn nên nắm được các nguyên nhân cũng như dấu hiệu biểu hiện của ung thư phổi để đề phòng và xử lý nếu chẳng may mắc phải.
Mục lục bài viết
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là căn bệnh mà trong phổi xuất hiện một khối u ác tính có khả năng tăng trưởng tế bào không thể kiểm soát. Nếu không được điều trị, tế bào này sẽ phát triển đến mức lan ra ngoài đến các bộ phận khác của cơ thể (quá trình này còn được gọi là di căn). Ung thư phổi được chia làm hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
Ung thư phổi tế bào nhỏ: Đây là trường hợp khi các tế bào ung thư kết thành nhân, chứa dày đặc các hạt tiết thể thần kinh (các túi tiết chứa hormone thần kinh) gây ra các hội chứng cận ung thư/nội tiết. Đa số trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ phát sinh ở đường dẫn khí lớn. 60 - 70% số lượng ca bệnh loại này chỉ được phát hiện khi khối u đã lan rộng ra các khu vực khác.
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ: Loại ung thư này được chia thành các loại nhỏ hơn, 3 loại chính trong số đó là ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn. Gần 40% số ca ung thư phổi là ung thư biểu mô tuyến. Mặc dù hầu hết số người mắc ung thư biểu mô tuyến là do hút thuốc lá nhưng đây cũng là hình thái phổ biến nhất ở những người không hút hay hút ít mắc ung thư phổi. Ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm khoảng 30% số trường hợp ung thư phổi. Loại này thường xảy ra ở gần đường dẫn khí lớn. 9% số ca ung thư phổi thuộc loại ung thư tế bào lớn, khối u có kích thước lớn, dư thừa tế bào chất, có nhân tế bào và hạch nhân dễ thấy.
Một số loại khác: Có 4 loại ung thư phổi khác được công nhận mặc dù khá ít gặp. Ngoài ra, có một số loại ung thư kết hợp từ 2 loại đã biết như ung thư biểu mô tuyến vảy. Các loại hiếm gặp có ung thư biểu mô tuyến phế quản, ung thư biểu mô sarcomatoid,...
Dấu hiệu biểu hiện của bệnh ung thư phổi
Khi bị ung thư phổi, người bệnh có thể bị một hoặc một số các triệu chứng sau đây:
- Triệu chứng về đường hô hấp: Ho nhiều, dai dẳng dẫn đến khàn giọng, tình trạng ho hoặc khàn giọng kéo dài vài tuần không khỏi; ho ra máu hoặc trong đờm có lẫn máu; thở khò khè, khó thở hoặc thở dồn dập dù chỉ làm những việc nhẹ nhàng.
- Triệu chứng toàn thân: Sụt cân bất thường, nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân; mệt mỏi, sốt; đau nhức khắp người; móng tay dùi trống (móng tay hoặc móng chân bị biến dạng)
Móng tay dùi trống
- Triệu chứng do khối u chèn ép các cơ quan kế bên: Đau ngực, đau xương, đau vai, khó nuốt.
Ngoài ra, ung thư phổi cũng có thể gây ra một số hội chứng cận ung thư, chẳng hạn như tăng canxi huyết, tăng hormone chống bài niệu (nước tiểu đậm đặc và máu loãng bất thường), hội chứng nhược cơ Lambert - Eaton (cơ bắp yếu đi một cách rõ rệt do rối loạn tự miễn dịch). Nếu các khối u xuất hiện ở trên đỉnh phổi có thể xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, gây ra các triệu chứng như sụp mí mắt, co đồng tử ở bên mắt bị tổn thương và lõm mắt (mắt thụt vào trong hốc mắt).
Phần lớn các triệu chứng phổ biến của ung thư phổi thường không đặc biệt và dễ nhầm lẫn với các căn bệnh phổ thông khác. Các triệu chứng đặc trưng hay rõ rệt như đau xương, đau đầu, ngất xỉu, co giật chỉ xuất hiện khi khối u đã lan ra ngoài địa điểm xuất phát và di căn đến các bộ phận khác. Ngoài ra, khoảng 10% số ca ung thư phổi cũng không hề quan sát thấy một dấu hiệu nào ở bệnh nhân mà chỉ được tình cờ phát hiện khi chụp X quang ngực.
Nguyên nhân ung thư phổi
Về cơ bản, ung thư là sự tích luỹ các tổn thương tế bào ADN. Những tổn thương này thường ảnh hưởng đến các chức năng bình thường, sự tăng trưởng và quá trình chết theo chương trình của tế bào. Do đó, những nguyên nhân gây ra tổn thương ADN cũng như sự đột biến ngoại di truyền là những nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi.
Hút thuốc
Lá phổi của người thường xuyên hút thuốc
Hút thuốc đến nay vẫn là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi. 85% số ca mắc bệnh được xác định là do thuốc lá (trong đó có 80% trực tiếp hút thuốc và 5% tiếp xúc thụ động với khói thuốc). Năm 2000, 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới là do hút thuốc trong khi con số này ở nữ giới là 70%. Hiện nay, khoa học đã xác định được 73 chất gây ung thư đã biết có trong thuốc lá.
Việc hít phải khói thuốc còn gọi là hút thuốc thụ động cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi ở những người không hút thuốc. Các nghiên cứu cho thấy, sống chung với người hút thuốc lá tăng tỷ lệ mắc ung thư phổi từ 20 - 30% trong khi làm việc ở môi trường có khói thuốc tăng từ 16 - 19%. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng khói thuốc bay ra ngoài không khí từ điếu thuốc đang cháy nguy hiểm hơn nhiều loại khói thuốc mà người hút trực tiếp hít vào.
Khói cần sa cũng chứa nhiều chất gây ung thư như khói thuốc lá. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào về việc hút cần sa làm tăng tỷ lệ mắc ung thư phổi. Các nghiên cứu năm 2013 không tìm thấy sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh từ những người hút ít và trung bình. Trong khi đó, một cuộc nghiên cứu năm 2014 lại chỉ ra rằng hút cần sa làm tăng gấp đôi tỷ lệ mắc ung thư phổi.
Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí ngoài trời được cho là có ảnh hưởng nhẹ đến những người bị mắc bệnh ung thư phổi. Hàm lượng nitơ điôxít trong không khí nhiều sẽ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư phổi thêm 14%. Ô nhiễm không khí hiện cũng là nguyên nhân của 1 - 2% số ca mắc bệnh. Ngoài ra, việc ô nhiễm không khí trong nhà từ đốt củi, than, phân hay tàn dư thực vật cũng được cho là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ phụ nữ bị ung thư do tiếp xúc với các loại khí này nhiều hơn đến 50%. Nhiều nhà khoa học cũng tin rằng ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 1,5% số người mắc ung thư phổi tử vong.
Di truyền
Chưa được chứng minh cụ thể nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự kết hợp gen cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phổi. Những cuộc điều tra cho thấy 8% số ca ung thư phổi có thể có nguyên nhân tới từ các yếu tố di truyền. Thống kê cho thấy có quan hệ họ hàng với những người mắc ung thư phổi cũng làm gia tăng tỷ lệ bị bệnh lên 2,4 lần. Tính đa hình của các nhiễm sắc thể 5,6,15 cũng được cho là có tác động đến nguy cơ mắc ung thư.
Các nguyên nhân khác
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã đưa ra phát biểu rằng có những bằng chứng đầy đủ cho thấy một số yếu tố dưới đây là tác nhân gây ra bệnh ung thư:
- Một số bụi kim loại như nhôm, cadimi và các hợp chất của cadimi, các hợp chất crom, berili và các hợp chất của berili, sắt và thép nóng chảy, niken, asen, ...
- Một số sản phẩm sau khi cháy, cụ thể như khí thải từ việc đốt than đá, dầu mỏ, khí thải động cơ,...
- Bức xạ ion hoá (tia gamma, tia X,...), khí phóng xạ Radon
- Khí độc như metyl ete, mù tạc lưu huỳnh, hơi sơn,...
- Sản phẩm cao su và bụi silic ôxit SiO2.
Cách chữa ung thư phổi
Phẫu thuật loại bỏ khối u: Khoảng 20% bệnh nhân được áp dụng phương pháp này. Điều trị khối u bằng phương pháp phẫu thuật đạt hiệu quả tốt nhất khi bệnh được phát hiện sớm, khối u còn nhỏ và chưa di căn, bệnh nhân có thể trạng tốt. Nếu có thể lấy được toàn bộ khối u ra ngoài sau khi phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân sống được một thời gian dài.
Điều trị bằng tia xạ: Áp dụng cho khoảng 35% bệnh nhân. Điều trị tia xạ giúp phá huỷ các khối u còn nhỏ và giảm sự phát triển của các khối u lớn khi chúng chưa di căn. Phương pháp này có thể giúp kéo dài sự sống của người bệnh nhưng ít khi chữa trị được khỏi hẳn.
Điều trị bằng hoá chất: Có tác dụng tốt ở hầu hết các bệnh nhân bị ung thư phổi loại tế bào nhỏ và một số các loại ung thư khác. Tuy nhiên, điều trị bằng hoá chất thường gây ra một số tác dụng phụ như suy tuỷ, viêm niêm mạc, rụng tóc,...
Điều trị hỗ trợ: Cách này thường được áp dụng khi căn bệnh được phát hiện quá trễ, các tế bào ung thư đã di căn sang các bộ phận khác. Lúc này, các phương pháp điều trị chỉ tập trung vào việc giảm các triệu chứng, giảm đau và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Ở ung thư phổi và các bệnh ung thư nói chung, điều trị đạt kết quả tốt nhất khi bệnh được phát hiện sớm và kịp thời. Hiện nay một số phương pháp mới cũng đang được áp dụng để điều trị ung thư phổi như sử dụng đồng vị phóng xạ, tia laser, thuốc hoá chất mới,... và thu được kết quả khá khả quan.
Cách phòng tránh ung thư phổi
Tránh hút và tiếp xúc với khói thuốc lá: Như đã nói ở trên, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi do đó không hút và tiếp xúc với khói thuốc lá là cách tốt nhất để phòng chống ung thư phổi. Ngoài ra, khói thuốc lá cũng gây hại cho mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Do đó, khuyên người thân bỏ thuốc lá cũng là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình.
Tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm: Không khí ô nhiễm, rác thải, khói bụi,... cũng là một trong những tác nhân gây ra và gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Do đó nên hạn chế tiếp xúc với chúng bằng cách giữ vệ sinh nơi ở và khu vực xung quanh, đeo khẩu trang khi tham gia giao thông,...
Tránh tiếp xúc với các loại hoá chất: Tuân thủ các chỉ dẫn về an toàn và bảo hộ lao động ở những nơi làm việc độc hại đồng thời thường xuyên kiểm tra mức độ không khí độc hại trong nhà.
Có chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn uống một số loại thực phẩm sẽ cung cấp cho cơ thể các chất giúp giảm khả năng bị ung thư phổi, đồng thời gia tăng sức đề kháng và bảo vệ cho sức khoẻ.
Tìm hiểu thêm: 7 loại thực phẩm giúp phòng chống bệnh ung thư phổi bạn nên ăn ngay.
Kiểm tra sức khoẻ định kỳ: Với những người thường xuyên làm việc hoặc tiếp xúc với môi trường độc hại, có tiền sử gia đình bị ung thư phổi hay đặc biệt là những người có thói quen hút thuốc lá, tốt nhất là nên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ 6 tháng một lần. Các phương pháp như xét nghiệm máu, chụp CT, chụp X quang,... sẽ phát hiện các khối u từ rất sớm, thậm chí trước cả khi người bệnh có triệu chứng. Do đó sẽ giúp tăng hiệu quả chữa trị cũng như cơ hội sống sót cho bệnh nhân.
Trên đây là các kiến thức về nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách chữa trị và phòng chống bệnh ung thư phổi mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn sẽ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình và người thân trong gia đình.