Nhờ có sự ra đời của vaccine mà rất nhiều căn bệnh trước đây được xem là cực kỳ nguy hiểm đã có thể bị ngăn chặn phần nào hoặc thậm chí không còn có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của con người. Chính vì vậy mà tiêm chủng vaccine ngày nay đã được phổ cập và khuyến nghị ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bài viết này VnNews360 sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn vaccine là gì và các loại vaccine hiện nay đang được sử dụng.
Mục lục bài viết
Vaccine là gì? Công dụng của vaccine
Vaccine (hay vắc-xin, vacxin), là một chế phẩm sinh học có khả năng tạo ra miễn dịch chủ động đối với một loại bệnh cụ thể. Trong vacxin chứa các tác nhân giống với vi sinh vật gây bệnh nhưng đã bị làm suy yếu hoặc bị giết chết. Khi mang tác nhân này vào người, cơ thể sẽ tự sản sinh ra miễn dịch để chống lại chúng. Vắc-xin có thể mang tính dự phòng để ngăn ngừa, cải thiện ảnh hưởng của một chứng bệnh bệnh (đậu mùa, bại liệt, sởi, uốn ván,…) hoặc mang tính điều trị, chống lại một căn bệnh đã xảy ra (chẳng hạn như ung thư).
Kể từ khi được tiêm chủng vaccine, hệ miễn dịch của cơ thể tự động nhận diện vaccine là vật lạ và sẽ tiêu diệt, đồng thời ghi nhớ chúng, từ đó tạo được trí nhớ miễn dịch. Về sau, các tác nhân bệnh thật sẽ không thể xâm nhập vào cơ thể hoặc có xâm nhập nhưng khả năng gây ra tổn thương là không nhiều. Nhờ có vắc-xin mà hàng triệu người trên thế giới không bị chết do các bệnh truyền nhiễm, không bị mắc bệnh hay di chứng do bệnh gây ra. Khi chương trình tiêm chủng thực hiện tốt, hầu hết mọi người đều đã được tiêm chủng một loại bệnh nào đó, căn bệnh đó có thể biến mất hoàn toàn khỏi cộng đồng.
Các loại vacxin hiện nay
Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều loại vacxin để phòng ngừa, chữa trị các căn bệnh nguy hiểm. Phổ biến nhất là: vaccine thủy đậu, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, lao,…và cả vaccine Covid-19.
Để phân loại vacxin theo phương pháp sản xuất thì gồm có 5 loại:
- Vacxin giải độc tố: Được sản xuất từ ngoại độc tố của vi khuẩn gây bệnh bằng cách làm mất đi tính độc nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên. Khi hệ miễn dịch tiếp nhận vacxin này, chúng sẽ chống lại độc tố tự nhiên bằng cách sản xuất ra các kháng thể trung hòa độc tố. Ví dụ: vacxin bạch hầu, uốn ván,….
- Vacxin bất hoạt: Sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh đã chết, được đánh giá là an toàn và ổn định hơn vắc-xin sống. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch của vắc-xin bất hoạt yếu hơn vắc-xin sống nên cần phải được tiêm nhắc lại nhiều mũi để duy trì miễn dịch. Chẳng hạn như: vắc-xin ho gà, viêm não Nhật Bản, tả,….
- Vacxin sống giảm độc lực: Được sản xuất trực tiếp từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật tương tự với vi sinh vật gây bệnh đã được làm giảm đi độc lực. Do đây là vacxin sống nên có thể tạo ra miễn dịch tự nhiên mạnh, lâu dài chỉ với một hoặc hai liều. Một số loại vaccine được sản xuất bằng công nghệ này như: vaccine Sabin phòng bại liệt, vaccine thương hàn, sởi,….
- Vacxin tách chiết: Sử dụng những kháng nguyên được tách chiết từ vi sinh vật gây bệnh. Ví dụ: kháng nguyên polysaccharid của cầu khuẩn màng não, polysaccharid của phế cầu,….
- Vacxin tái tổ hợp: Sử dụng công nghệ sinh học hiện đại, gen mã hóa cho kháng nguyên vi sinh vật cần có để làm vắc-xin được cấp và tái tổ hợp vào E.coli hoặc một dòng tế bào thích hợp. Hiện nay, công nghệ vắc-xin tái tổ hợp đang được nghiên cứu trên vi khuẩn và virus HIV, dại và sởi.
Những vấn đề cần biết về vaccine
Đối tượng tiêm vaccine
- Bất cứ ai có nguy cơ cao nhiễm bệnh mà chưa có miễn dịch.
- Trẻ em là đối tượng cần được ưu tiên hàng đầu vì đây là thế hệ quan trọng cho việc phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.
- Một số loại vaccine đặc thù được khuyến nghị là dành riêng cho nhóm đối tượng nhất định chẳng hạn như phụ nữ, phụ nữ mang thai.
Đối tượng không được tiêm vaccine
- Những người đang bị sốt cao.
- Người có biểu hiện dị ứng, tiền sử dị ứng với một số thành phần trong vaccine.
- Loại vaccine sống giảm độc lực không được tiêm cho người bị thiếu hụt miễn dịch hoặc người đang dùng thuốc đàn áp miễn dịch, người mắc bệnh ác tính và phụ nữ có thai.
Thời gian tiêm chủng
- Một số loại vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia được tiêm cho trẻ sơ sinh và trẻ trong độ tuổi khuyến nghị.
- Tiêm chủng trước mùa dịch để cơ thể có thời gian hình thành miễn dịch.
- Một số loại vắc-xin có thời gian tiêm chủng nhắc lại tùy thuộc vào thời gian duy trì được hình thành miễn dịch bảo vệ.
Liều lượng và đường tiêm
Tùy thuộc vào từng loại vacxin mà liều lượng và đường đưa vào cơ thể là khác nhau. Một số loại chỉ cần tiêm một mũi sẽ có khả năng bảo vệ vĩnh viễn hoặc trong một thời gian nhất định. Một số loại cần tiêm nhắc lại nhiều lần trong khoảng thời gian quy định, có khả năng bảo vệ vĩnh viễn hoặc nhiều năm.
Về đường tiêm, phổ biến nhất là hai dạng: Tiêm trực tiếp vào trong da, dưới da, tiêm bắp; Đường uống, kích thích miễn dịch tại đường ruột hơn tiêm. Ngoài ra, còn có hai phương pháp ít phổ biến hơn: Chủng, là con đường cổ điển, hiện nay ít dùng; Dạng hít, là con đường tiêm vacxin mới được nghiên cứu cho vaccine Covid-19, chưa được áp dụng rộng rãi.
Một số tác dụng không mong muốn
Khi tiêm vacxin, có thể sẽ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, phổ biến nhất là: sốt nhẹ, đau nhức, sưng tấy tại nơi tiêm. Nếu tiêm chủng không đảm bảo vô khuẩn còn có thể gây nhiễm trùng. Ngoài ra, một số tác dụng phụ nặng hơn bao gồm: co giật, sốc phản vệ.
Bảo quản vắc-xin
Quy trình bảo quản các loại vắc-xin hiện nay không giống nhau nhưng phần lớn đều cần được bảo quản trong điều kiện khô, tối và lạnh. Vaccine thường được bảo quản bằng cách sử dụng phích vaccine, hòm lạnh hoặc tủ lạnh có nhiệt độ từ 2 - 8 độ C. Vacxin cần được bảo quản tốt ngay sau khi sản xuất cho đến khi được đưa vào cơ thể con người.
Hi vọng với những thông tin VnNews360 chia sẻ trên đây, bạn đã biết vacxin là gì, công dụng của vacxin và các loại vacxin hiện nay được sản xuất như thế nào. Từ đó, chú ý hơn đến vấn đề tiêm chủng để phòng ngừa các loại bệnh nguy hiểm cũng như bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Tham khảo thêm:
Chế độ dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng