Hiện nay, chỉ cần dạo quanh các con phố, bạn sẽ không khó để nhìn thấy hình ảnh những con kênh đen kịt, chứa đầy rác thải, túi nilon hay những bãi rác không được thu dọn, vệ sinh,….Chúng không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Thế nhưng, đó chỉ là một góc nào đó phản ánh tình hình môi trường ở địa phương. Để rõ hơn về thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở nước ta, hãy cùng điểm qua các số liệu mà VnNews360 chia sẻ trong bài viết này.
Cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số thì môi trường ở nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng. Nguyên nhân khiến môi trường ngày càng bị xuống cấp xuất phát từ chính những hoạt động phục vụ đời sống của con người như: sản xuất công nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt,….Chúng ta xả trực tiếp các chất thải độc hại vào nước, không khí và đất mà không hề qua xử lý, khiến những môi trường này phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm một cách nặng nề.
Mục lục bài viết
Thực trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam
Gần đây, tình hình thiếu nước sạch sinh hoạt xuất hiện ở phía Bắc, mà cụ thể là Hà Nội đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi về vấn đề xả thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ra môi trường. Mặc dù theo quy định, tất cả các nhà máy sản xuất ở mọi ngành nghề đều phải được trang bị đầy đủ hệ thống xử lý nước thải nhưng theo thống kê, chỉ có khoảng 68% trong số hơn 300 cụm công nghiệp hiện nay thực hiện tốt vấn đề này. Tại các khu công nghiệp, làng nghề lớn, lượng nước thải đạt mức 400.000 - 500.000 m3/ngày đêm. Thậm chí, ở Bắc Ninh, con số này lên đến hàng nghìn m3. Phần lớn nước thải được thu gom từ các nhà máy đều có chỉ số BOD (nhu cầu oxy sinh hóa), chỉ số COD (nhu cầu oxy hóa học), hàm lượng chất rắn lơ lửng,…vượt mức cho phép.
Không chỉ riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà quá trình xử lý nước thải sinh hoạt cũng vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, làm ảnh hưởng đến môi trường. Bộ Xây dựng cho biết, nước ta hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, đạt công suất 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 13% lượng nước thải được thu gom và xử lý. Thậm chí ở nông thôn, đa số người dân đều xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, chăn nuôi xuống sông, hồ mà không hề qua hệ thống xử lý. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng vi khuẩn Feca coliform ở khu vực sông Tiền và sông Hậu biến đổi từ 1.500 - 3.500 MNP/100ml lên đến 3.800 - 12.500 MNP/100ml ở các kênh tưới tiêu.
Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Hiện nay, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề tập trung ở các khu công nghiệp mà đã xuất hiện ở hầu hết thành phố lớn, đặc biệt, nghiêm trọng nhất là Hà Nội và TP.HCM. Nếu như trước đây, tình hình khói bụi hầu như chỉ xuất hiện ở những giờ cao điểm thì hiện tại, kể cả những giờ thấp điểm ở các khu vực ngoại ô, không khí cũng bị giăng kín bởi một màn sương mù dày đặc. Theo khuyến cáo của WTO, lượng bụi mịn PM2.5 trong không khí không nên vượt mức 10 µg/m3. Thế nhưng, chỉ số bụi đo được ở riêng TP.HCM đã đạt mức 26 µg/m3.
Phương tiện giao thông được xem là tác nhân chính khiến tình hình ô nhiễm không khí đô thị ngày một nghiêm trọng hơn. Trung bình ở nước ta, lượng xe ô tô, xe máy tăng từ 8% - 18% mỗi năm. Điều này dẫn đến lượng khí thải cũng gia tăng gấp 4 - 5 lần.
Thực trạng ô nhiễm không khí công nghiệp đặc biệt nghiêm trọng tại các khu sản xuất, tái chế giấy và kim loại. Đối với loại hình tái chế giấy, lượng SO2, CO, bụi, C12 đều vượt quá giới hạn cho phép. Cụ thể: Lượng khí CO vượt 1,02 - 2,5 lần; Khí SO2 vượt từ 1,23 - 1,42 lần; Bụi vượt từ 3,63 - 4,13 lần; C12 vượt từ 1,21 - 1,35 lần. Ở loại hình tái chế kim loại, nồng độ Zn vượt từ 1,1 - 1,2 lần; Cu vượt từ 1,0 - 1,25 lần; Bụi vượt từ 2,6 - 3,6 lần;….
Thực trạng ô nhiễm đất ở Việt Nam hiện nay
Ô nhiễm đất không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn là nguyên nhân dẫn đến thất mùa, ô nhiễm nước ngầm và làm chết các loài sinh vật trong đất. Lý do chính khiến môi trường đất bị ô nhiễm là rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt.
Cả nước ta hiện có khoảng 660 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt đang hoạt động nhưng chỉ khoảng 20% trong đó là đảm bảo vệ sinh. Việc xử lý rác thải không đúng tiêu chuẩn không chỉ đe dọa đến môi trường đất mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm nước và không khí. Bên cạnh đó, rác thải nhựa và nilon vẫn luôn là một vấn đề khiến các cơ quan ban ngành phải đau đầu. Theo ước tính, mỗi năm, nước ta xả ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ 27% trong số đó là được tái chế.
Ở các cụm công nghiệp, hàm lượng kim loại trong đất cũng không ngừng tăng cao. Thậm chí có nơi, lượng kim loại độc hại tăng đến gấp 15 lần so với tiêu chuẩn. Ở một vài địa phương, chẳng hạn như Bắc Ninh, tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp không ngừng gia tăng. Mỗi năm, tỉnh này đều tiến hành xử lý hàng chục vụ việc vi phạm với khối lượng rác thải đổ trộm lên đến khoảng 47.000 tấn. Trong đó, có 17.000 tấn là chất thải độc hại như: bột pin, kim loại vụn,….
Hi vọng sau khi tham khảo những thông tin mà VnNews360 chia sẻ, các bạn đã biết được thực trạng của môi trường hiện nay như thế nào. Từ đó, sử dụng tiết kiệm các tài nguyên thiên nhiên và có những hành động thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình.